Làm thế nào để chúng ta có thể chiến thắng nỗi sợ chết tiềm ẩn?
Hỏi: Thưa Thầy, ai sống trên đời rồi cũng phải chết, và sợ chết luôn là nỗi sợ tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta. Xin Thầy chia sẻ làm thế nào để chúng ta có thể chiến thắng nỗi sợ hãi này, và có được sự chuẩn bị thích đáng cho cái chết của mình được thanh thản, không lo lắng sợ hãi ạ?
Trả lời: Đầu tiên chúng ta cần tìm hiểu tại sao chúng ta sợ chết. Thường chúng ta sợ hãi những gì chưa biết, những gì chúng ta không nắm chắc. Nỗi sợ chết cũng có khởi điểm như vậy. Cho dù đã đọc rất nhiều những tài liệu nói về cái chết, và ngay cả ở bên cạnh những người thân đang hấp hối, thì chúng ta vẫn không thực sự biết rõ cái chết xảy ra như thế nào, và nhất là sau khi chết chúng ta sẽ không còn tồn tại hay vẫn tiếp tục sống? Và nếu còn tiếp tục tái sinh thì sẽ đi về đâu? Ai cũng biết rồi mình cũng sẽ phải chết đi, nhưng những gì xảy ra khi chết và sau khi chết luôn là một dấu hỏi rất lớn. Hầu hết chúng ta đều chẳng biết gì về cái chết, nên chúng ta tưởng tượng mông lung mà sinh ra sợ hãi.
Dù có tích luỹ thêm nhiều kiến thức về cái chết, dù có dùng ý thức mà suy luận thì những gì xảy ra khi chết vẫn không rõ ràng minh bạch, không được soi sáng và vì thế mỗi người chúng ta chỉ còn cách chôn dấu nỗi sợ hãi này xuống tận đáy lòng, hoặc cố gắng biện luận để che giấu sự thật, hoặc tìm chỗ dựa siêu nhiên nào đó để tự trấn an. Có thể đó là đức tin của các Kito hữu tin rằng sau khi chết linh hồn của những con chiên lương thiện sẽ được lên Thiên Đường với Chúa, hoặc sau khi chết các Phật tử chân chính sẽ được tiếp dẫn lên cõi Tây Phương Cực Lạc của Phật A-Di-Đà, hoặc tín đồ Bà La Môn giáo có niềm tin sau khi chết tiểu ngã sẽ trở về với Đại Ngã trong ánh sáng của đấng Sáng Tạo.
Chúng ta cho cái chết là đau khổ, xấu xí nên cần những hình ảnh siêu huyền như Thiên Đường, Cực Lạc để mong cái chết trở nên cao đẹp hơn. Chúng ta cho cái chết là màn đêm tối tăm nên cần ánh sáng của Thượng Đế để cứu rỗi, hoặc Phật A-di-đà tiếp dẫn. Tóm lại đức tin mạnh mẽ là một trong những vũ khí mà các tôn giáo dùng để đối phó với nỗi sợ chết và các lo lắng, bất an khác.
Ngoài ra, con người cũng thường sợ hãi những điều họ cho là xấu, chứ không sợ những gì được cho là tốt đẹp. Ai cũng cho cái chết là điều xấu nên mới sợ hãi. Thường những người mong mình được chết trong tốt đẹp, an lành lại sợ chết nhiều hơn những người có thể chấp nhận chết cách nào cũng được. Một sự thật có vẻ nghịch lý nữa là những người chết sau một thời gian dài bệnh hoạn, đau đớn thường rất dễ siêu thoát hơn người chết khi đang mạnh khoẻ. Vì người trải qua thời gian đau đớn không ham sống sợ chết, trong khi người mạnh khoẻ còn quá yêu đời nên chết chẳng cam lòng.
Nỗi sợ chết cũng có liên quan đến nỗi sợ hãi tội lỗi của mình khi đã làm điều bất thiện. Vì vậy, để chấm dứt nỗi sợ hãi trước cái chết không phải đơn giản, mà người ấy cần phải thông suốt nguyên lý của đời sống và phải biết rõ về cái chết mới được.
Tóm lại đa số chúng ta đều cho cái chết là sự kiện tiêu cực, và thế là chúng ta tìm mọi cách để đối phó với nó, giống như chúng ta vẫn đang đối phó hàng ngày với những gì không theo ý muốn của mình. Nhưng nếu thực sự xem kỹ lại, thì tất cả những phương tiện đối trị vẫn chỉ là che lấp nỗi sợ ấy, để không chú ý tới nó nữa, để chôn nó đi càng sâu càng tốt. Những phương tiện ấy không chấm dứt hoàn toàn được nỗi sợ hãi đối với cái chết. Ai ai cũng đều biết rất rõ nỗi sợ chết vẫn luôn còn đó, luôn tiềm ẩn sâu bên trong mỗi người chúng ta.
Hỏi: Nhưng thưa Thầy làm sao có thể có trải nghiệm thực về cái chết trước khi thực sự chết đi?
Trả lời: Tuy chúng ta chưa thực sự trải nghiệm cái chết lâm sàng, nhưng lại dễ dàng có trải nghiệm thực về sự sống, chúng ta có thể hiểu về cái chết khi hiểu được sự sống. Bản chất của sự sống là những tiến trình tâm-sinh-vật lý đang tiếp nối nhau diễn ra nơi mỗi người. Nếu chúng ta lắng nghe, quan sát, cảm nhận được sự diễn biến này thì sẽ khám phá ra rằng đó là một chuỗi sinh và diệt liên tục. Nghĩa là trong sự sống đã sẵn có cái chết từng mỗi sát-na sinh diệt. Nếu chúng ta thực sự thấu hiểu được sự sinh diệt này trong cả thân lẫn tâm thì chúng ta thấy được ý nghĩa của sự sống và chết như một sự tương tác vận hành tất yếu của sự sinh tồn. Nếu không có cái chết đi từng giây phút thì cũng không bao giờ có sự sống diễn ra. Khi sự thật này được soi sáng thì cái chết không còn là nỗi sợ hãi đầy ám ảnh nữa, như Đức Phật đã dạy.
Khi đã thấu hiểu được sự chết trong từng sát-na ngay khi đang sống, thì cái chết cuối cùng của một kiếp người cũng diễn ra hoàn toàn tương tự. Cái chết này chỉ là tiến trình diệt-sinh sinh-diệt để đổi mới qua mỗi kiếp sống mà thôi. Nhưng vì chúng ta chẳng biết gì về sự sống đang xảy ra trong từng giây phút nơi thân tâm mình nên mới đeo mang trong lòng nỗi sợ chết triền miên. Những nỗi sợ hãi này sẽ không thể chấm dứt nếu chúng ta còn cho rằng chết là xấu, là tiêu cực để rồi loay hoay tìm kiếm bên ngoài những biện pháp trấn an hoặc những chỗ bám víu để khoả lấp bằng những hứa hẹn siêu hình.
Thật ra không cần chuẩn bị cho cái chết, mà nên chuẩn bị tâm lý khi đối diện với cái chết. Cách chuẩn bị hiệu quả nhất chính là ngay bây giờ mình có sống trọn vẹn với hiện tại được không? Khi uống nước mình có trọn vẹn uống nước được không, khi bom nổ mình có bình tĩnh sang suốt được không? Khi bất kỳ điều gì xảy ra mà tâm vẫn bình thản và trong sáng thì dù cái chết có xảy ra mình vẫn không sợ hãi, vì những gì xảy ra với mình khi chết cũng giống như những gì xảy ra với mình khi đang còn sống mà thôi.
Trích
VIÊN MINH
(Pháp Thuận ghi)