Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương
Câu hỏi:
Con rất thích câu “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” mà Thầy Làng Mai thường dạy. Tuy nhiên khi thực tập con lại thấy càng hiểu nhiều bao nhiêu thì lại càng khó để thương bấy nhiêu, bởi vì mình hay vướng vào chuyện tranh cãi đúng, sai. Không chỉ riêng con mà rất nhiều người cũng vướng vào tình trạng đó. Con phải thực tập như thế nào mới đúng với ý nghĩa của câu “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”. Kính xin quý thầy, quý sư cô giúp đỡ cho con.
Thầy Pháp Ấn trả lời:
Trong sự tu học của mình, trước tiên là tự thân mình phải chuyển hóa cho bằng được. Khoan đòi hỏi những người xung quanh chuyển hóa. Tự thân mình phải trở thành bông hoa tươi mát trước. Hãy để cho lòng mình lắng xuống và tiếp xúc với mầu nhiệm của trời xanh, mây trắng, tiếp xúc được với nụ cười của em thơ, tiếp xúc được với vẻ đẹp của đời sống. Và khi tiếp xúc với những mầu nhiệm của đời sống thì tình thương trong mình ứa ra. Đó là nền tảng căn bản của đạo Bụt.
Nếu trong trái tim mình không ứa ra được tình thương đích thực thì mình không cắm rễ được vào đời sống. Giữa mình và đời sống còn là hai sự thật rời rạc, không dính liền nhau. Thí dụ mình đang ngồi trong thiền đường tu học, nếu trong lòng mình cảm thấy ấm cúng và mình có thể thương được những người đang có mặt xung quanh, mình nói: may quá mình tu mà có anh chị tu cùng mình, mình tu mà có bạn. ‘Ăn cơm có canh, tu hành có bạn’. Như vậy là mình có mối liên hệ thật sự, mình cắm rễ được vào những người xung quanh. Đời sống tu học của mình có rất nhiều yếu tố nuôi dưỡng chung quanh, vấn đề là làm sao mình cắm rễ vào những yếu tố đó được. Và khi mình cắm rễ được như vậy thì con người mình càng ngày càng vững ra, tình thương trong mình càng vững chãi.
Khi mình có tình thương thì tiếp xúc đến đâu chất liệu thương yêu sẽ được trao truyền cho người mình tiếp xử đến đó. Tu là làm sao cho lòng mình có tình thương rất thật. Khi mà mình có tình thương rất thật thì tự nhiên mình hiểu người kia trên vị trí của người đó, trên cái nhìn của người đó mà mình không đòi hỏi người đó phải thay đổi theo cái nhìn của mình. Nếu mình có thể thương được người đó khi người đó đang làm như vậy, người đó đang theo một tập tục như vậy thì tự nhiên từ từ, chính tình thương của mình sẽ làm cho lòng mình rỗng rang, mình sẽ có khả năng chấp nhận người đó như chính họ và có thể hòa hợp được với họ. Nền tảng tu tập căn bản là sự bình an trong lòng của mình.
Nhiệm vụ cần thiết của mình là khi cần thì tưới tẩm. Sư Ông có dạy các con, tu là tưới tẩm hạt giống. Trong mỗi con người chúng ta đều có những hạt giống hiền lành, hạt giống thương yêu, hiểu biết, chấp nhận, tha thứ và bao dung. Mình tập tưới tẩm hạt giống đó và mở lòng ra để thay đổi. Ví dụ trong trường hợp của Pháp Ấn. Đôi khi trong chúng có vấn đề giữa sư anh này không hòa thuận với sư em kia, hoặc là sư chị này không hòa thuận với sư em kia, hoặc là cư sĩ này không hòa thuận với cư sĩ kia. Trong khi cho pháp thoại trong lòng Pháp Ấn không nghĩ là mình đang trách sư em A, đang trách sư chị B, v.v… Nhưng khi xong một pháp thoại, thí dụ có một sư em thấy một sư chị cười tươi thì nói: “Hồi nãy Thầy Pháp Ấn nói là để bênh sư chị hả?” Rồi có bữa Pháp Ấn nói pháp thoại, sư chị nhìn qua thấy sư em rất tươi vui, khi pháp thoại xong đi ra, sư chị nói: “Thầy lúc nào cũng bênh sư em, rầy các sư chị.” Thật ra Pháp Ấn không có ý đó. Trong lòng chúng ta không rỗng rang nên chúng ta nghe và nhìn sự việc qua tấm kính nhận thức của mình. Trong lòng của mình đã có sẵn định kiến rồi, nên khi nhìn thì mình nhìn theo cái có sẵn trong lòng của mình chứ không phải nhìn sự thật của thực tại. Vậy nên mình tập tu sao cho những lăng xăng trong lòng mình lắng xuống hết thì mới được.
Truyền thông có nghĩa là mình chỉ nói hoặc nghe mà không mong mỏi một kết quả nào. Đây là một điều rất căn bản. Mình nói để người khác hiểu mình và mình nghe để hiểu người đó chứ không phải mục đích của mình nói hoặc nghe là để chuyển người đó, để người đó thay đổi. Không phải như vậy. Chính vì chúng ta không thật sự hiểu nhau, không thấy được nỗi khổ niềm đau của nhau, vì thiếu sự truyền thông thâm sâu đó nên chúng ta mới có vấn đề và kẹt vào khái niệm đúng và sai. Nếu thật sự hiểu được niềm đau của người đó, hiểu được nỗi khổ của người đó, tôn trọng được niềm đau của người đó thì vấn đề không còn là đúng, là sai nữa. Bởi vì giữa hai trái tim sẽ có sự giao thoa, thông cảm. Hiểu được niềm đau nỗi khổ của người đó thì tình thương thật sự sẽ ứa ra trong trái tim mình.
Thật sự khi mình thương một người nào, người đó làm gì cũng được, người đó nói sao mình cũng chấp nhận, người đó nói bậy mình cũng cười xề xòa cho qua. Nhưng khi mình đã không thích người đó rồi thì người đó nói ngọt ngào mấy đi nữa mình cũng thấy người đó không thật. Dù người đó có thật mấy đi nữa thì mình cũng nghĩ người đó toàn là giả dối. Ông đó hả, toàn là đồ giả dối; hoặc cô vợ của tôi toàn là giả dối, đâu có thiệt gì đâu. Bởi cái sai trái của người kia có đầy trong trái tim mình rồi, mình không thể làm cho lòng mình nó trống được, nên có ai đó nói khác đi mình cũng không thay đổi suy nghĩ của mình. Do đó vấn đề quan trọng là vấn đề tự tu của mỗi người, mình phải hạ thủ công phu. Mình phải làm sao cho tình thương trong trái tim của mình nó ứa ra được, có sự chuyển hóa trong thân và trong tâm mình thì kết quả chung quanh mình với thời gian nó sẽ đến.
Nguồn: langmai.org