Lưới ái ân, người đời toàn si mê tôn thờ mà mấy ai thấu!
Đức Phật đã ví dụ sự si mê luyến ái, ham muốn khoái lạc ngũ dục, giống như chiếc lưới ái ân, chiếc lưới dục vọng, một khi ai đã dính vào lưới này, thì khó bề thoát ra. Cũng như chú cá kia, khi bị mắc vào lưới mà nhảy ra khỏi lưới mới thật là hay.
Nếu con người có khả năng yêu thương bằng trái tim hiểu biết, sẽ dễ dàng tiếp nhận bình an, hạnh phúc thật sự ở cõi lòng, mà không hề có sự van xin, cầu cạnh từ bên ngoài.
Niềm tin này không phải là sự mê tín, mà là niềm tin bằng sự giác ngộ do trí tuệ khai mở. Ta thấy trong mình có khả năng mở rộng sự hiểu biết, làm lớn thêm thương yêu, chuyển hóa tất cả mọi khổ đau và tạo dựng một đời sống bình yên, hạnh phúc. Đó là ta tin vào tính biết sáng suốt trong mỗi con người chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mù quáng bằng lý thuyết suông, mà là một thực tại nhiệm mầu, có sự quán chiếu, xem xét rõ ràng. Nhờ vậy, ta thấy ai có hiểu biết, có yêu thương, có trí tuệ, có từ bi và làm lợi ích cho nhiều người, mà không bao giờ tính toán, so đo, thì ta biết người đó có bình yên và hạnh phúc thật sự.
Người xuất gia tuy không còn gầy dựng hạnh phúc lứa đôi, không còn phải bận bịu việc vợ chồng, con cái, nhưng vẫn phải đương đầu với vấn đề tham luyến ái dục, vì người xuất gia đi ngược lại dòng đời, nên phải dùng tuệ giác thấy biết đúng như thật để chuyển hóa ái dục. Phật dạy, người xuất gia phải ý thức việc thoát ly sinh tử, mà cố gắng thực tập vững chãi các điều giới luật và oai nghi. Ta đừng để xảy ra sự chung đụng trái phép. Ta cũng đừng nên tự phụ quá đáng là mình đã giỏi, không cần quan tâm tới những chi tiết nhỏ nhặt của giới luật lẫn oai nghi. Vì vậy, chúng ta cần phải phát đại thệ nguyện giống như đức Phật khi xưa dưới cội Bồ đề: “Ta dù thịt nát, xương tan, nếu không thành tựu đạo vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, quyết không rời khỏi chỗ này”.Ai muốn xa lìa ái dục cũng phải như thế, phải có ý thức, phải có mục đích cao cả là lý tưởng giác ngộ giải thoát. Ta phải luôn thường xuyên quán chiếu, xem xét, để thấy rõ ràng những hệ lụy khổ đau do si mê, luyến ái sắc dục đem lại. Ai vướng vào sắc dục rồi, giống như con tằm làm kén tự quấn lấy mình, giống như con cá bị mắc vào lưới, càng vùng vẫy càng bị lưới xiết chặt, cũng như người khát nước mà uống nước muối, càng uống càng khát. Ái dục cũng lại như thế.
Vì vậy, chiếc rễ đầu tiên của người tu là phải có niềm tin, niềm tin này không phải là tin vào một đấng thần linh, thượng đế, có khả năng ban phước, giáng họa, hay tin vào một người khác. Nếu ta tin vào một đấng thần linh mà ta không biết đích thực thần linh đó là ai, thì rất nguy hiểm cho ta sau này. Niềm tin đó không phải là chiếc rễ vững chắc, xứng đáng cho ta nương tựa. Ta phải tin vào một cái gì vững chắc và lâu dài hơn.
Vậy niềm tin đó là gì? Trước nhất, ta phải tin Tam Bảo, tức tin vào Phật, Pháp và Tăng. Phật là một con người giác ngộ, có tình thương yêu bình đẳng bằng trái tim hiểu biết, có trí tuệ, có từ bi với tất cả muôn loài chúng sinh. Vì thế, chúng ta gọi là Phật bảo. Ta phải tin rằng, nếu ta thực tập những lời dạy chân chính đó, ta sẽ mở rộng được sự hiểu biết, yêu thương, để tiếp nhận bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ. Ta phải tin chính mình có Phật tính sáng suốt, nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng, không lầm lẫn; tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế. Nếu ai không có niềm tin đó thì không bao giờ có đủ khả năng, để trên cầu thành Phật, dưới cứu độ tất cả chúng sinh.
Nếu con người có khả năng yêu thương bằng trái tim hiểu biết, sẽ dễ dàng tiếp nhận bình an, hạnh phúc thật sự ở cõi lòng, mà không hề có sự van xin, cầu cạnh từ bên ngoài. Niềm tin này không phải là sự mê tín, mà là niềm tin bằng sự giác ngộ do trí tuệ khai mở. Ta thấy trong mình có khả năng mở rộng sự hiểu biết, làm lớn thêm thương yêu, chuyển hóa tất cả mọi khổ đau và tạo dựng một đời sống bình yên, hạnh phúc. Đó là ta tin vào tính biết sáng suốt trong mỗi con người chúng ta. Niềm tin này không phải là niềm tin mù quáng bằng lý thuyết suông, mà là một thực tại nhiệm mầu, có sự quán chiếu, xem xét rõ ràng. Nhờ vậy, ta thấy ai có hiểu biết, có yêu thương, có trí tuệ, có từ bi và làm lợi ích cho nhiều người, mà không bao giờ tính toán, so đo, thì ta biết người đó có bình yên và hạnh phúc thật sự.
Niềm tin của ta được trải nghiệm qua cuộc sống thực tế bằng cách tu học và dấn thân, chứ không phải ngồi không mà hưởng nhàn với quan niệm mình là thầy thiên hạ”. Khi ta có ý chí, có niềm tin, có lý tưởng vì lợi ích tha nhân bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì ta sẽ có đủ sức mạnh để đi tới cho đến khi đạt được chí nguyện mới thôi. Lời nguyện chân chính luôn giúp ta đem lại rất nhiều năng lượng có ích, để ta không thất chí nản lòng, mà vững niêm tin hơn mỗi khi gặp chuyện không như ý. Người tu là người có chí nguyện cao cả vì lợi ích cho chính mình, và tất cả chúng sinh. Đó là tâm Bồ Đề kiên cố của những con người đi theo con đường hiểu biết và thương yêu để được chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc.
Ta phải sống làm sao để chí nguyện của mình ngày thêm lớn mạnh, vững vàng. Ta càng lớn tuổi thì chí nguyện của ta càng bền bỉ, chắc thật, không bị mọi thế lực bên ngoài làm suy giảm. Nếu chí nguyện của ta bị lung lay bởi những danh vọng, lợi dưỡng, sắc đẹp, tiếng tăm chi phối, thì ta sẽ không thành công trên con đường tu tập mà có khi bỏ cuộc nửa chừng. Ta phải giữ vững ý chí, lập trường, theo đuổi chí nguyện không một giây phút lơ là trong hiện tại, và phải biết sử dụng những giây phút đó mà làm tròn ước nguyện của mình.
Thế gian này là một dòng đời nghiệt ngã với vô vàn đau khổ, bởi do ta tham đắm, luyến ái, thương tiếc, nhớ nhung vì yêu thương, xa lìa mà khổ; oán ghét mà gặp nhau cũng khổ, nên ta tu để chuyển hóa nỗi khổ, niềm đau thành an vui, hạnh phúc. Ta học hỏi Phật pháp và tu tập, để giúp mọi người cùng sống có yêu thương bằng trái tim hiểu biết.
Tâm nguyện hay chí nguyện là một nguồn năng lượng rất lớn, không thể thiếu. Không có tâm nguyện, ta khó bề vượt qua cạm bẫy cuộc đời, bởi sự hấp dẫn của lợi dưỡng, danh vọng, sắc đẹp và sự cung kính. Ta hãy nên tự hỏi rằng, “mình có đủ sức mạnh và nguồn năng lượng đó hay chưa?”. Nếu chưa đủ, ta vẫn phải thường xuyên quán chiếu, xem xét từng ý nghĩ, lời nói và hành động; bằng không, chỉ cần một ngọn gió thổi tới, mình sẽ ngã quỵ như thường. Vậy chí nguyện của ta là gì? Ta có thật sự muốn đạt được những chí nguyện đó hay không? Nếu ta thật sự muốn hoàn thành chí nguyện lớn lao và cao cả đó, thì tại sao ta cứ dễ duôi buông trôi theo ngày tháng?
Ái dục như những gông cùm, xiềng xích, luôn khóa chặt lấy con người chúng ta. Những cái gông, những chiếc xích này, các bậc hiền Thánh thấy rằng, chúng còn nguy hiểm và kiên cố hơn cả những người bị phạm tội nhốt trong lao tù. Vì bị tù đày còn có ngày ra khỏi, còn dính mắc vào vòng luẩn quẩn của vợ con, quyến thuộc và tình cảm luyến ái, thì biết chừng nào mới thoát ra được. Khi một ai đó đã bị giam cầm bởi sắc đẹp, tiền tài, danh vọng, thì bao nhiêu ý chí, nghị lực, khí phách, đều bị tiêu tán hết. Chí nguyện cao cả ban đầu cũng bị mai một đi bởi si mê, ham muốn ái tình. Do đó, con đường giác ngộ giải thoát của ta cũng không thể nào đủ khả năng tiếp tục đi nữa.
Ta không dám nghĩ, ta không dám làm, vì nếu ta nghĩ, ta làm, thì ta sợ sẽ ảnh hưởng tới gia đình, người thân. Lúc đó, ta chẳng khác nào như đang bị còng tay và bó giò, bị trói chặt bởi những cái gông, sợi xích luyến ái, còn vững chắc hơn cả những cái gông bằng đồng, bằng sắt. Chính vì vậy, những người làm cách mạng thường sống độc thân để hoạt động, vì khi sống độc thân, họ có can đảm nói và làm những điều họ cho là đúng để đem lại tự do, hòa bình và an vui cho đất nước. Cuộc sống độc lập, tự do hạnh phúc sẽ cho phép họ sống thực sự là một người biết hy sinh vì lý tưởng cách mạng; tự do làm việc vì lợi ích chung mà không bị vướng bận bởi luyến ái vợ chồng, con cái cùng tình cảm riêng tư của gia đình, người thân.
Tôn giả Nan Đà là em cùng cha khác mẹ với Phật. Vào ngày thành hôn của ngài, vì thần lực của Phật quá mạnh, ngài bị nhiếp phục nên đã xuất gia ngay trong ngày đó. Phật xuất hiện đúng lúc ấy, nhờ người em Nan Đà cầm hộ bình bát, cứ như thế Phật đi về Tịnh xá. Vì thương yêu, tôn kính Phật, nên Nan Đà không dám nói gì, chỉ một bề lặng lẽ quảy bước theo sau. Người vợ yêu quý hối hả chạy theo, mặt đầm đìa nước mắt, gọi với theo trong vô vọng, “hỡi hoàng tử yêu quý của em, hãy mau quay trở về; không có anh chắc em sẽ chết mất, hỡi anh yêu dấu”.
Về đến Tịnh xá, Phật hỏi Nan Đà, “em thích xuất gia sống đời thánh thiện không?”. Nan Đà đồng ý. Xuất gia được mấy bữa, tôn giả nhớ người vợ yêu quý của mình quá mức, không thể nào chịu nổi nữa, nên Tôn giả liền đến gặp Phật thú thật, xin được hoàn tục. Biết em của mình luyến ái nặng nề, khó lòng thôi dứt, Phật dùng thần lực hiện ra vô số các tiên nữ xinh đẹp, kiều diễm, rồi quay sang hỏi Nan Đà, “các tiên nữ này có đẹp hơn người yêu dấu của em hay không?”
Tôn giả nói, “thật là xinh đẹp hơn rất nhiều Phật ạ”. Đánh trúng tâm lý háo sắc của đứa em, Phật mới chỉ một cung điện nguy nga, tráng lệ có rất nhiều tiên nữ. Con tim Nan Đà bắt đầu thổn thức, rung động, nên mới bước đến hỏi các nàng, “cung điện này của ai mà đẹp đẽ sáng ngời, oai phong lẫm liệt như vậy?”. Các tiên nữ đồng thanh trả lời, “cung điện này dành riêng cho Tôn giả Nan Đà dưới trần gian. Sau khi đắc đạo, người sẽ về đây cai quản và vui chơi hưởng thụ khoái lạc với 500 tiên nữ chúng em.”
Nhờ vậy, Nan Đà không còn nhớ người yêu bé nhỏ của mình ngày nào nữa, mà cố gắng tu tập cho được viên mãn, để sớm có chiếc vé đoàn tụ với các em tiên nữ xinh tươi.
Rồi một lần khác, Phật dùng thần lực để cho Nan Đà đi xuống cõi địa ngục. Tôn giả thấy vô số người bị hành hình trông rất thảm thương. Ngài đi ngang qua một chảo dầu to tướng, đang sôi ngùn ngụt, nhưng không có ai bị hành hình trong đó. Tôn giả mới ngạc nhiên hỏi chúa ngục, “cái chảo này làm gì mà để nước sôi ngùn ngụt đến thế vậy?”
Chúa ngục mới nói, “cái chảo này chỉ dành riêng cho Tôn giả Nan Đà, đệ tử Phật. Sau khi hưởng hết phước ở cõi trời với 500 tiên nữ, sẽ bị đọa xuống đây để chịu tội vô số kiếp không có ngày ra, vì mục đích tu hành của Nan Đà là để hưởng thụ khoái lạc, sắc đẹp, tình dục”. Nghe chúa ngục nói thế, Tôn giả sợ quá bèn đến gặp Phật xin sám hối và nhờ Phật chỉ dạy phương pháp rốt ráo thoát ly sinh tử. Kể từ đó, Tôn giả siêng năng, tinh cần tu tập; nhờ vậy, không bao lâu, ngài chứng được quả giác ngộ giải thoát.
Bây giờ. chúng ta thử quay lại cuộc đời của Thái tử Sĩ Đạt Ta chuyển hóa ái dục như thế nào? Theo sử liệu của Phật giáo Bắc tông, thái tử đi tu năm 19 tuổi, năm năm học đạo với hai vị thiền sư nổi tiếng, sáu năm tự tu khổ hạnh, thành đạo dưới cội Bồ đề, bốn mươi chín năm hoằng pháp độ sanh. Theo sử liệu Phật giáo Nam Tông, thái tử đi tu năm 29 tuổi, học đạo sáu năm và hoằng pháp suốt bốn mươi lăm năm.
Chúng ta thử lấy sử liệu Bắc tông làm y cứ. Thái tử đi tu khi mới 19 tuổi, bỏ lại đứa con trai đầu lòng và người đẹp hoa khôi xứ Ấn. Ở tuổi đời này, con người mạnh khỏe, tinh thần sáng suốt, có thể làm cho trời nghiêng, đất ngã, lại đang thừa hưởng một địa vị cao nhất thế gian là chuẩn bị làm vua. Đêm hôm đó, trước khi ra đi, thái tử quay lại phòng nhìn vợ con lần cuối, với tâm trạng thương tiếc, nhớ nhung thật sự, mặc dù trong lòng đã quyết định dứt khoát ra đi để tìm cầu chân lý.
Động cơ nào khiến Thái tử đủ sức mạnh để bỏ hết tất cả, vợ đẹp con xinh, tiền tài danh vọng, thần dân thiên hạ, và quyền hành cao nhất. Thái tử còn quá trẻ, nên năng lượng tình dục rất mạnh. Chính vì vậy, công chúa Da Du Đà La mới sinh cho chàng một đứa con trai bụ bẫm, kháu khỉnh, giống cha như khuôn đúc. Như chúng ta đã biết, Thái tử là con người bằng xương, bằng thịt như mọi người, đâu có bệnh hoạn gì mà nỡ đang tâm đành đoạn bỏ đi, trong khi chàng và nàng đang trong giai đoạn yêu thương cực kỳ mặn nồng, tha thiết nhất. Ở lứa tuổi mà con người hưng phấn, sung mãn nhất về tình dục, vậy mà Thái tử vẫn quyết tâm bỏ lại sau lưng hết tất cả, tuy rằng trong lòng vẫn còn luyến tiếc, nhớ thương.
Nhiều chàng thanh niên ước ao rằng, chỉ cần được ngủ một đêm với các người mẫu hay hoa hậu thôi, sáng mai dù có bị xử bắn cũng vẫn vui vẻ chấp nhận, bằng lòng. Con người ta ai cũng khát khao, thèm muốn tình dục, đây là một sự thật mà không một ai có thể chối bỏ được. Thế gian này, sở dĩ mọi người ra sức nỗ lực làm việc nhọc nhằn, vất vả, bất kể ngày đêm, cũng đều chỉ muốn được tiền tài, danh vọng, vợ đẹp, con ngoan. Đó là ước mơ chung của nhân loại, ít ai có thể đi ngược lại lòng ham muốn, luyến ái ấy.
Vậy mà Thái tử Sĩ Đạt Ta đã dũng mãnh, can đảm chấp nhận đau thương, dám hy sinh tình cảm cá nhân, để ra đi tìm cầu chân lý sáng ngời cho nhân loại. Luyến ái, ham muốn khoái lạc tình dục, một khi ai có cơ hội gần gũi nó rồi, thì khó lòng lìa bỏ được; như bản thân chúng tôi chẳng hạn, tôi sống ngu, chết dở, cũng vì nó. Năm nay tôi đã 53 tuổi, vậy mà trong lòng vẫn còn thèm khát thứ đó. Nó là cái gì mà làm cho cả thế giới loài người phải điêu đứng, vọng động, điên đảo, tranh hơn, tranh thua, để có được chút xíu đó thôi.
Thái tử chấp nhận bỏ hết tình riêng với tuổi đời đang còn hưng phấn mãnh liệt nhất về tình dục, thật ra cũng đắng cay chua xót lắm chứ, cái mà nhiều người mong muốn được như Ngài mà không bao giờ có được. Ngài đã vô lượng kiếp tu tâm từ rộng mở, muốn tìm ra nguồn gốc và thân phận của tất cả chúng sinh để tìm ra giải pháp giúp cho con người thoát ly sinh, già, bệnh, chết. Nhờ có lý tưởng cao cả và lập trường vững chắc đó, thái tử mới thoát ra được lưới ái, lìa buộc ràng, để ra đi tìm đạo giải thoát. Nếu Ngài không có tâm nguyện cao cả, lớn lao, để cứu khổ chúng sinh, thì cũng khó mà vượt qua khỏi chiếc lưới luyến ái vợ đẹp, con xinh.
Con người sống muốn làm được việc gì lớn lao, quan trọng cần phải có lý tưởng cao cả để phục vụ. Ta phải biết bỏ tình riêng để làm việc chung. Chính vì vậy, những người làm cách mạng thường sống độc thân để hoạt động, vì khi sống độc thân, họ có can đảm nói và làm những điều họ cho là đúng, để đem lại an vui, lợi ích cho đất nước. Cuộc sống độc lập đó cho phép họ sống thực sự là một người có bản lĩnh, dám chấp nhận xả thân, hy sinh để phục vụ, vì lợi ích đất nước, mà không bị vướng bận bởi sự đam mê luyến ái vợ chồng, con cái. Những người ngoài đời muốn làm cách mạng còn phải xa lìa ái dục như thế, huống hồ là người có chí hướng cao thượng như thái tử Sĩ Đạt Ta, đã phát tâm vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
Dưới cội Bồ Đề với đủ thứ loại ma uy hiếp, khủng bố tinh thần, nhưng thái tử vẫn bất động trước những hình thù quỷ quái nhất, cùng những lời hăm dọa khủng khiếp nhất. Ngay đến tuyệt chiêu cuối cùng của chúa ma là hóa hiện ra hình ảnh của các cung phi mỹ nữ và công chúa Da Du Đà La thật xinh đẹp đến trước mặt thái tử. Một trang tuyệt sắc giai nhân sà vào lòng chàng ôm khóc nức nở, trông hết sức tội nghiệp và đáng thương làm sao. Nếu giả sử lúc đó bạn là người đang trong hoàn cảnh như vậy, liệu bạn sẽ xử trí ra sao? Hay là bạn đành chấp nhận quay gót trở về theo tiếng gọi con tim, mà vùi dập lý trí.. Nước mắt đàn bà sắc đẹp nghiêng thành, đổ nước và những lời tỏ tình âu yếm, ngọt ngào thì khó ai mà chịu nổi bỏ qua. Vậy mà, đức Phật của ta vẫn bình tĩnh, sáng suốt, thấu rõ hết mọi vấn đề, nên vẫn như như bất động, mặc cho người đẹp khổ sở khóc lóc, van xin.
Một phàm phu bình thường sao có đủ can đảm ngoảnh mặt làm ngơ, khi người vợ yêu thương, đầu ấp tay gối thuở nào, nhất là bây giờ nàng lại xinh đẹp dễ thương hơn xưa rất nhiều, bởi sự biến hóa tài tình của ma vương. Giờ đây, nàng đang nằm gọn trong lòng chàng, kể lễ khóc thương tha thiết, “thiếp năn nỉ, van lạy chàng, hãy về sống với thiếp và con. Bao năm rồi, thiếp phòng the gối chiếc một mình, mòn mỏi trông ngóng đợi chờ chàng. Bao nhiêu vương công, tôn tử con nhà quý phái đến xin cầu hôn, thiếp đều một mực từ chối hết, vì thiếp hy vọng chàng sẽ là con người rộng mở trái tim yêu thương, quay về với thiếp và con. Chàng ơi, con mình nó cứ hỏi thiếp hoài “cha con đâu rồi mẹ?”, thiếp chỉ nói “cha con bận học đạo hiền Thánh, để giúp dân, cứu nước. Con yên chí đi, cha con sẽ về trong một ngày gần đây nhất con ạ”. Thiếp và con lúc nào cũng cần có tình yêu thương của chàng bên cạnh, để được chàng thương yêu, bảo bọc, chở che cho những tháng ngày còn lại. Chàng ơi, thiếp van lạy chàng mà, chàng hãy quay về với thiếp và con đi, hỡi chàng yêu dấu! Nếu chàng không chấp nhận đoái hoài đến thiếp thì cũng phải thương nhớ đến đứa con trai của chàng chứ. Giờ đây thiếp không còn thiết tha để sống nữa vì không có chàng bên cạnh, thiếp sẽ chết liền tức khắc cho chàng coi”.
Nói xong, nàng liền rút cây trâm trên đầu ra đưa thẳng vào tim. Lúc bấy giờ, không gian như ngưng đọng, vạn vật đều im lặng chờ xem thái tử giải quyết ra sao.
“Đi đi, ta không dùng đâu, đồ đãi da hôi thúi”.
Chỉ một câu nói nhẹ nhàng, tất cả lũ ma thảy đều biến mất.
Vậy lúc ấy, thái tử đã xử dụng độc chiêu gì để vượt qua luyến ái tình dục chứ? Ngài chỉ dùng cây cung thiền định, cùng lưỡi kiếm trí tuệ, để quét sạch mọi ma mị trong tâm, nên ma quỷ bên ngoài không thể nào xâm nhập nổi. Đó là phương pháp độc nhất vô nhị, có một không hai trên cõi đời này, để chuyển hóa ham muốn luyến ái tình dục.
Rồi có hai huynh đệ đang tiếp nối con đường của Phật. Họ thấy thế gian vui ít, khổ nhiều, nên sớm xuất gia học đạo. Trên đường tầm sư, hai người đi ngang qua một dòng sông, thấy người trên ghe đang kéo chiếc lưới lên, và một con cá nhảy vọt ra khỏi lưới.
Vị sư huynh thấy thế, liền vỗ tay khen, “hay quá, hay quá! Con cá giống người tu.
Tiểu sư đệ mới nói, “có gì đâu mà hay. Cá ở ngoài lưới mới hay”.
Vị sư huynh nói, “sư đệ chưa hiểu hết thâm ý của ta”.
Câu chuyện trên là bài học đạo lý sống thiết thực trong cuộc đời. Ta học chuyện xưa để cùng nhau suy ngẫm, thấy được sự đam mê luyến ái dục vọng làm ta buồn rầu, lo lắng, khổ đau. Ai trong cuộc đời chưa một lần nếm trải trái đắng của khổ đau? Vậy cá ở ngoài lưới mới hay, hay là cá bị mắc lưới mà nhảy ra được mới hay?
Nếu cá ở ngoài lưới thì còn gì để bàn cãi ở đây nữa, cá đã vào lưới mà còn biết cách nhảy ra được mới thật là hay. Đạo lý nhà Phật dạy cho chúng ta ngay nơi vòng lẫn quẩn của sự luyến ái buộc ràng, bởi vợ chồng, con cái, gia đình, người thân, mà ta thoát ra được quả là điều phi thường hiếm có. Ta đang sống trong sự cám dỗ của tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn sung, mặc sướng, bởi chiếc lưới ái ân và dục vọng; nó làm cho ta mê muội, đắm say, giống như cục nam châm gặp sắt tự động hít vào. Ái dục cũng lại như thế. Từ vô thủy kiếp đến nay, con người lúc nào cũng khao khát, thèm muốn, quyến luyến giống như dòng nước đã thấm ướt. Dù không ai chỉ dạy mà con người vẫn tự cảm biết, nên khi gặp người khác phái thì trái tim ta xao xuyến, rung động, thổn thức, làm ta rạo rực trong lòng dẫn đến hò hẹn yêu thương và kết tình chồng vợ. Cứ như thế, từ đời này sang kiếp nọ, nghiệp nhân tình ái luyến mến yêu thương được phát triển mạnh mẽ ngày thêm sâu kín, đậm đà, khó rời xa.
Phật dạy, trong đời này, có hai hạng người đáng được tán thán, ca ngợi và cung kính cúng dường. Hạng người thứ nhất từ nhỏ đến lớn chưa từng vi phạm lỗi lầm, lại hay thương yêu, bình đẳng, giúp đỡ mọi người. Hạng người thứ hai đam mê hưởng thụ dính mắc hay làm các điều xấu xa tội lỗi, để làm tổn hại cho người và vật. Nhưng họ nhờ gặp các thiện hữu tri thức hướng dẫn chỉ dạy, biết ăn năn sám hối chừa bỏ những thói quen tật xấu, mà làm mới lại chính mình, để vươn lên, vượt qua số phận tối tăm.
Hình ảnh cá nhảy khỏi lưới là chỉ cho hạng người thứ hai, đã vào lưới, mắc lưới rồi, mà còn nhảy ra được. Vậy không phải hay là gì?
Cũng như đức Phật của chúng ta trước khi thành tựu đạo pháp, Ngài đã có tất cả cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan, thần dân, thiên hạ, quyền hành cao nhất trong tay. Vậy mà Phật vẫn hiên ngang, dũng mãnh, vượt qua được lưới ái dục khi tuổi đời đang sung mãn và hưng phấn nhất. Chính vì vậy, ngày hôm nay ta tôn kính Phật, thờ Phật, lạy Phật suốt đời, suốt kiếp, để bắt chước, học hỏi, tu tập, cho được bằng Phật mới thôi. Thật ra, ta đi tu hiện giờ đâu có gì để buông xả, và dính mắc nặng nề như đức Phật ngày xưa. Nhất là các thầy tu trẻ đâu có gì để ôm giữ, chất chứa trong lòng. Vậy mà thầy tu như bông xoài, thấy thì dường như quá nhiều, nhưng đến khi thành trái xoài chẳng còn được mấy trái.
Ở đây, chúng ta đã thấy cũng đồng là cá, nhưng biết bao con cá khác khi bị dính vào lưới rồi thì chỉ nằm chờ chết, không khi nào đủ sức để vùng vẫy thoát ra. Riêng chú cá kia hiên ngang dũng mãnh nhảy ra khỏi lưới, quả thật là quá tuyệt vời. Như vậy không giống người tu là gì? Nếu mới sinh ra ai cũng là Thánh hết thì chúng ta đâu cần phải vào chùa tu làm gì cho mệt và uổng công vô ích. Hình ảnh con cá nhảy khỏi lưới và hình ảnh thái tử từ bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con ngoan nói lên việc chúng ta quyết tâm dứt khoát xa lìa ái ân khi biết được sự tác hại của nó. Đức Phật đã ví dụ sự si mê luyến ái, ham muốn khoái lạc ngũ dục, giống như chiếc lưới ái ân, chiếc lưới dục vọng, một khi ai đã dính vào lưới này, thì khó bề thoát ra.
Người thật tâm muốn vượt qua lưới ái buộc ràng, thì trước tiên phải có niềm tin vào Tam bảo, tin vào chính mình, có chí nguyện thoát ly sinh tử, có thầy lành, bạn tốt và gìn giữ giới luật oai nghi. Kế đến, họ phải điều phục ngay nơi tâm ý của mình để thanh lọc nội tâm, dẹp hết tâm ma bên trong thì tâm ma bên ngoài không thể xâm nhập nổi. Cũng như chú cá kia, khi bị mắc vào lưới mà nhảy ra khỏi lưới mới thật là hay.
Facebook: Thích Đạt Ma Phổ Giác