Thầy tu có vợ
“Thương sao cho vẹn thì thương” là một câu trong truyện Kiều, ta có thể nói như vậy: Tu sao cho vẹn thì tu.
Theo truyền thống Phật Giáo ở các nước Nam Tông như Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan, Lào, Cam Bốt, các vị Sư tu hành lâu năm hoàn tục vẫn được Phật tử kính nể vì họ quan niệm rằng vị Sư đó dù hoàn tục nhưng kiến thức và phẩm chất đạo đức của ông vẫn không mất. Ngược lại trong giới Phật tử Việt Nam thì lại quan niệm việc hoàn tục là một sự thất bại, có nghĩa là vị Sư đó tu hành không đến nơi đến chốn, không có nghị lực để bị sa ngã, v.v… Vì đa số Phật tử quan niệm như thế nên các vị Sư hoàn tục thường có mặc cảm tội lỗi, hoặc xấu hổ rồi đọan tuyệt hẳn với đạo Phật, không dám bén mảng tới chùa nữa. Như vậy không những chùa mất đi một vị Tăng mà còn mất luôn một người Phật tử nữa. Đây là một điều đáng tiếc và quan niệm này hãy còn thiếu nhiều thương yêu hiểu biết.
“Chiếc áo không làm nên thầy tu” kia mà! Sao chúng ta cứ mãi vô minh cố chấp vào hình thức? Tu là phải như thế này, phải như thế kia!
Từ lúc vào chùa đi tu đến nay, tôi đã chứng kiến nhiều huynh đệ hoàn tục. Ban đều tôi cũng bất mãn, thầm trách thầy tôi sao không khuyên răn ngăn cản họ. Nhưng rồi với thời gian, tôi hiểu và thông cảm, thấy rằng họ còn những bài học cần phải học, cần phải hiểu để tiến hóa. Đạo không nhất thiết phải ở trong chùa hay trong kinh sách mà Đạo ở khắp mọi nơi.
Có nhiều Phật tử phê phán: “Tội nghiệp Thầy đó nghiệp nặng, hoặc Sư Cô đó còn nặng nợ trần gian”. Họ làm như mình không còn nặng nợ nữa vậy. Có biết đâu mình cũng nặng nợ như ai nhưng trốn nợ hoặc chưa tới lúc phải trả đó thôi.
(trích Đạo Là Gì? – Thích Trí Siêu)
Người Phật tử Việt Nam nên học tinh thần cởi mở của Phật tử Thái. Tu cũng có nhiều đường tu. Là tu sĩ thì thật là tu sĩ, nghĩa là người tu sĩ phải thực tập công phu và nếp sống hàng ngày của người tu sĩ, nghĩa là giữ giới tịnh hạnh, chứ đừng nấp bóng từ bi mà lười nhác, hưởng thụ, lợi dụng, phá giới… Đừng chỉ làm hình thức của một tu sĩ nhưng bên trong thân tâm không có chất liệu của một tu sĩ giống như cây có vỏ rất tốt đẹp nhưng ruột cây bị thối hết. Làm như thế chỉ uổng phí một đời người, làm mất đẹp người tu sĩ và giảm phẩm chất tăng đoàn của Bụt.
Nếu làm tu sĩ mà có hạnh phúc, thích tu tâp hàng ngày, thì vị ấy tiếp tục làm tu sĩ. Nếu ở trong tu viện một thời gian mà tu sĩ thấy rõ không thể tu tiếp, không còn thích thú đời tu, không cảm thấy hạnh phúc tu tập hàng ngày, thì vị ấy nên cởi áo, xả giới trở về đời sống thế gian và có thể tu tập như một người cư sĩ, làm một công nhân tốt, làm một người con hiền còn hay hơn.
“Thương sao cho vẹn thì thương” là một câu trong truyện Kiều, ta có thể nói như vậy: Tu sao cho vẹn thì tu.
(Facebook: Chân Pháp Đăng)