Tìm hiểu về pháp tu niệm Phật

Niệm Phật là một phương pháp cải thiện, sửa vọng niệm ra chơn niệm, đổi tà niệm ra chánh niệm, thay niệm chúng sanh làm niệm Phật, một niệm phản bổn hườn nguyên, bội trần hiệp giác, chánh đại quang minh, chuyển phiền não ra Bồ Đề.
duc-phat-phat-giao-chaymoc-1
Nam mô A Di Đà Phật có nghĩa là nhứt tâm tôn kính và nương theo bậc Viên Giác có đủ công đức vô lượng.
Xưa Đức Phật A Di Đà có phát 48 nguyện, đại ý rằng: Khi thành Phật, kiến lập một thế giới Cực Lạc. Nếu có chúng sanh nào nghe đến vạn đức Phật danh A Di Đà Phật, hết lòng tin tưởng, nguyện tu chơn chánh, nhiếp tâm thanh tịnh, chí thành trì niệm cầu sanh Cực Lạc, thì khi sanh tiền được Phật bảo hộ bình an, khi lâm chung được Phật phóng quang tiếp dẫn về cõi Cực Lạc, giáo hóa tu tập tuần tự tiến đến Phật quả.
Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Thập phương Chư Phật thương tưởng chúng sanh như mẹ nhớ con, nhưng nếu con cứ trốn tránh mẹ thì dầu có nhớ cách nào, mẹ cũng không cứu được. Trái lại nếu con nhớ mẹ như mẹ nhớ con thì dầu trải bao nhiêu kiếp, mẹ con cũng được sum họp. Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật, niệm Phật thì hiện tại hoặc vị lai quyết định thấy Phật, cách Phật không xa”.
Tu phép niệm Phật cần phải nhứt tâm, gồm có sự và lý.
A. Sự nhứt tâm niệm Phật: có nghĩa là giữ lòng thanh tịnh , không cho một mảy vọng tưởng xen vào, chỉ rõ ràng một tiếng niệm Nam mô A Di Đà Phật. Công phu trì niệm đại để có 42 phép, xin lược giải 2 phép cẩn yếu như dưới đây:
1. Cao thinh niệm Phật: tức là niệm Phật cho có tiếng tỏ rõ. Như giữ niệm thường nhựt trong bốn thời công phu Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu, tay lần từng hột chuỗi, miệng niệm Nam mô A Di Đà Phật, cốt yếu phải nhứt tâm thanh tịnh.
Dùng chuỗi niệm Phật nên biết:
a. Các hột chuỗi tiêu biểu công đức thù thắng của chư Bồ Tát.
b. Hột chuỗi chận ở giữa xâu chuỗi tiêu biểu dứt sạch các phiền não.
c. Dây xỏ chuỗi tiêu biểu Vô-úy-thí của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
d. Hột mẫu châu ở trên đầu xâu chuỗi giống như bình sái tiêu biểu Đức Phật A Di Đà. Khi lần chuỗi không nên lần qua hột mẫu châu này.
Hột chuỗi làm bằng Bồ đề, hột sen, kim cang…
Chuỗi có nhiều loại: 1080, 108, 54, 21, 18… hột.
2. Mặc nhiên niệm Phật: tức là niệm thầm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật.
Ví như tập trong hơi thở điều hòa vô ra luôn luôn có tiếng niệm, cốt yếu phải nhiếp tâm thanh tịnh, lóng nghe rõ ràng tiếng niệm ấy giao tiếp nhau không gián đoạn, bất luận lúc nào trong tứ oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm (nằm nghiêng bên mặt).
Nếu niệm Phật, dầu cao thinh hay mặc nhiên, mà biết quán tưởng Đức A Di Đà đứng trên tòa sen vàng, thân kim sắc, tướng hảo quang minh: tay trái giữ ấn kiết tường, tay mặt thả xuôi theo mình, bàn tay giở ngữa ra tượng trưng tiếp dẫn thì mau có hiệu quả mỹ mãn.
Phật tử nhứt tâm thanh tịnh trì niệm A Di Đà Phật, lâu ngày công phu thuần thục, các vọng tưởng dứt sạch, niệm niệm tùng tâm khởi, niệm Phật bất ly tâm, niệm như không niệm, không niệm mà niệm, thành tựu được phép niệm Phật chánh định (Niệm Phật Tam Muội), đạt được cảnh trí nhất tâm bất loạn thì chắc chắn vãng sanh Cực Lạc.
B. Lý nhứt tâm niệm Phật: tức là niệm Phật và niệm tâm đồng khế hiệp. Đức Phật sở niệm và tâm năng niệm đồng một thể thanh tịnh trang nghiêm.
Khế Kinh có dạy: tất cả chúng sanh đều có tánh Phật. Tánh Phật là Tự-tánh Chơn Như, cụ túc trang nghiêm, thiêng sáng rỗng suốt, thường trụ vắng lặng.
Tự Tánh cụ túc trang nghiêm tức là Đức Pháp thân.
Tự Tánh thiêng sáng rỗng suốt tức là Đức Bát Nhã.
Tự Tánh thường trụ vắng lặng tức là Đức Giải thoát.
Suy theo lý đó thì nhận thức: niệm Phật tức là niệm Tự Tánh, niệm Tự Tánh tức là niệm Phật, cảnh giới Cực Lạc cũng do Tự Tâm thanh tịnh mà thật hiện. Đó là “Duy Tâm Tịnh Độ, Tự Tánh Di Đà”.
Phật tử nhứt tâm trì niệm danh hiệu Đức A Di Đà cần phải viên dung sự lý.
Vẫn biết Tự Tánh hoàn toàn sáng suốt, nhưng vì từ vô thỉ nhẫn nay, chúng sanh trải qua lịch kiếp tạo nghiệp, các phiền não che khuất sâu dày, rất khó tỏ ngộ được. Tuy nhiên, dầu bị trầm luân sanh tử trong sáu cõi phàm phu, các phiền não có che khuất cách nào, Tự Tánh vẫn luôn luôn tròn sáng, đó là lý “tùy duyên bất biến”.
Nếu muốn tỏ ngộ Tự Tánh thì trước phải đoạn trừ phiền não, mà muốn nhờ vừa tự lực vừa Phật lực đoạn trừ phiền não cho mau công hiệu thì phải tịnh niệm Nam mô A Di Đà Phật.
Khế Kinh có dạy: một niệm dung hiệp với Phật là một niệm thành Phật, các niệm dung hiệp với Phật thì các niệm đều thành Phật.
Như tịnh niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật thì dứt được một phần phiền não, niệm cho đến hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn, dĩ chi vô số câu, thì chắc chắn có ngày dứt sạch tất cả phiền não, trở nên minh tâm kiến tánh thành đạo Chánh Giác.
Vậy Phật tử nên gắng công lo sắm đủ ba món tư lương “Tín, Hạnh, Nguyện”, nhứt tâm tu phép niệm Phật hầu về cảnh Tịnh, thoát khổ được vui.
Nam mô A Di Đà Phật.
(trích Tu Phật Nghi Thức Yếu Lược – Thiền sư Thích Từ Quang)

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay