Tương lai ta ở đâu? Tương lai ta sẽ làm gì? Bạn, đã định hình cho chính mình?
Ngày hôm nay mới là quan trọng. Ngày hôm nay, sẽ tạo nên ngày mai. Ngày mai, sẽ tạo nên tương lai của bạn. Tuổi trẻ, sống trong ngày hôm nay, nhưng luôn ấp ủ hoài bão cho những ngày tháng tương lai. Và những chia sẻ dưới đây, là chút chân tình gửi tuổi trẻ hoài bão ấy. Tuổi trẻ của những ước mơ. Tuổi trẻ với cả tương lai rực rỡ phía trước…
Có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng Bạn đang ở đâu? Vị trí của bạn trong cuộc sống này? Bạn muốn gì? Bạn đã đạt được gì? Hay làm thế nào để có cuộc sống theo ý muốn của bạn? Bạn có sẵn sàng chiến đấu vì giấc mơ của mình…?
Mở đầu thời Pháp Thầy đã chia sẻ hành trang cần có của các bạn trẻ để tiến vào tương lai đó là lòng tin, sự kiên trì, tính quyết đoán và sự tinh cần. Bạn trẻ nên có sự tự tin khi có đủ cơ sở; nếu chưa đủ cơ sở, chúng ta cũng không gì phải sợ. Không có con đường nào hoàn toàn bằng phẳng đón bước chân ta. Chỉ có bước chân dám đạp trên chông gai mới mang chúng ta đến mục tiêu thành công. Ai cũng phải ít nhất một lần kinh qua sự thất bại. Vấp ngã chỗ nào, đứng lên chỗ ấy, nơi đó cho chúng ta một cái note mặn mà trên “timeline” của mình. Cũng có thể xem vấp ngã là một cơ hội để chúng ta được nghỉ ngơi, phục hồi năng lượng mới.
Sự kiên trì rất cần thiết khi bước đi trên lộ trình ấy. Sau khi vấp ngã, ta lại đứng lên, tiếp tục hành trình, không từ bỏ. Nếu từ bỏ, có nghĩa là ta đã thất bại từ đầu.
Cơ hội chỉ đến với chúng ta một lần. Khi đã đặt ra mục tiêu, phải thực hiện cho kỳ được. Khi nắm được cơ hội, hãy quyết đoán, không do dự. Tâm Nghi (do dự) là một trong năm sợi dây trói dạng thô làm trở ngại việc tu tập của hành giả.
Siêng năng có tác dụng thúc đẩy tịnh tiến, nếu dừng nửa chừng có nghĩa là chúng ta phải khởi động lại từ đầu, như hình ảnh con thuyền ngược dòng, nếu dừng tay chèo có nghĩa là trôi lui.
Nhận thấy các bạn trẻ trong đạo tràng đa số đang đi làm, hoặc đang trong thời kỳ đại học, sẽ bước chân ra xã hội để tìm cho mình một chỗ đứng thích hợp, Đại đức Giảng sư đã chia sẻ một số lời Phật dạy thiết thực và phù hợp trong việc kinh doanh, giữ chữ tín, cân đối giữa sản xuất lợi tức và nắm bắt giá trị tinh thần, quan hệ tốt trong công tác, v.v.
Kinh Tăng Chi Bộ I, chương 4, phần Buôn bán, đức Phật nêu đại ý: Phước báo là một căn cứ điểm của kinh doanh thành công. Cơ may thị trường là điều ngành kinh tế học khó lý giải, nó liên hệ mật thiết đến phước báo đã gieo trồng trong quá khứ. Do đó, khi đắc không tự mãn, khi thất không bi quan. Ý thức điều này, nên tô bồi phước đức, làm điều thiện, tạo cơ hội cho người thành tựu giới đức tu tập.Kinh doanh, buôn bán là một trong những nghề nghiệp đem lại lợi tức cho mỗi người. Tuy nhiên, người Phật tử cần lưu ý “làm giàu đúng pháp”. Đây chính là chánh mạng, một trong tám ngành mà đức Phật nêu trong Bát Chánh đạo. Người Phật tử nên tránh 5 nghề dữ: buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc. (Kinh Tăng Chi, chương 5, phẩm Người cư sĩ). Để kiếm tiền nhanh chóng, chạy theo siêu lợi nhuận không ít người đã táng tận lương tâm, làm ăn phi pháp, gây ra biết bao tai họa. Đức Thế Tôn đã lên án, tuyên chiến và khai tử đối với các loại tội phạm vô cùng nguy hiểm này. Người Phật tử, vâng lời răn dạy của Thế Tôn không nên và không được buôn bán đao kiếm, người, thịt, rượu và thuốc độc.
Về sự cân đối giữa làm giàu và làm phước, Đại đức đã trưng dẫn ba hạng người theo kinh Tăng Chi (chương 3, phẩm Người, phần mù lòa): hai mắt, một mắt và người mù. Người có hai tức là có mắt biết thu hoạch tài sản chưa thu, tăng trưởng tài sản đã thu, có mắt biết pháp thiện và bất thiện, có tội không tội. Người một mắt là người thiếu con mắt thứ hai, và người mù là cả hai mắt đều không có. Người mắt sáng là biết làm ăn chân chính, đem lại lợi ích xã hội đồng thời phân biệt tốt xấu, thiện ác, hoạ phúc. Người một mắt thì còn có thể tự nuôi mình, dù không biết làm phước, nhưng người “có mắt mà như mù” thì không biết cách sống, tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, thuộc Kinh Trường Bộ II, nêu ra mối quan hệ tốt giữa chủ và người làm. Đối với người Chủ: giao việc đúng sức lực, trả lương hợp lý, điều trị bệnh tật, chia sẻ đồ ngon, cho nghỉ phép đúng thời. Đối với người làm: phải dậy trước và ngủ sau chủ, tự bằng lòng với thưởng vật chủ ban cho, khéo làm công việc chủ giao và tạo tiếng thơm cho chủ.
Cuối buổi pháp thoại, Đại đức giảng sư phân tích những giá trị thiết thực của giây phút hiện tại theo chủ đề “Tương lai bắt đầu từ hôm nay”:
Căn cứ theo hệ quy chiếu luật Nhân-Quả mà đức Phật đã dạy, nếu muốn có quả tốt là một tương lai tươi sáng, thì phải gieo trồng nhân tốt ngay bây giờ. Hiện tại là thời điểm của nhân, tương lai là phạm vi thọ quả. Đừng mãi mê chạy theo những giá trị phù phiếm, mộng ảo của tương lai mà quên đi trách vụ thiết thực ngay từ bây giờ và hiện tại đây.
Đầu óc hay con người vật lý của chúng ta cũng như một cổ máy, hoạt động phải khoa học và cũng cần có những giây phút nghỉ ngơi. Mỗi chúng ta nên sắm sửa con người mới, khởi động hành trình mới. Tuy nhiên, trong việc thực hiện làm mới ấy, chúng ta không cần thay đổi phụ kiện, nguyên vật liệu… mà chỉ thay đổi cách vận hành.
Như một họa sĩ cần có nền vẽ trắng, nếu nền vẽ không trắng sạch thì rất khó thực hiện họa phẩm. Như người xưa soi gương cần có thau nước tĩnh, nếu mặt nước không lắng đọng, không thể soi rõ khuôn mặt của mình. Muốn thực hiện một pháp môn nào, trước hết phải thực tập chánh niệm, an lạc trong từng giây phút của hiện tại. Điều này thể hiện qua nghệ thuật điều phục tâm lý dựa vào kinh Niệm xứ mà đức Phật đã dạy rất rõ ràng, cụ thể là phương pháp theo dõi hơi thở.
Đến đây, Đại đức giảng sư đã dành vài phút yên tĩnh cho đại chúng được thực tập theo dõi hơi thở, tri nhận hơi thở một cách tự nhiên mà không cố gắng điều chỉnh, hãy để tâm ngay chóp mũi như một người quan sát mà không ra lệnh dẫn dắt hơi thở theo chủ ý của mình.
Điều quan trọng cũng nên lưu ý là xây dựng Cái nhìn về chủ trương “An lạc hiện tại” cho đúng đắn. Cần phân biệt rõ giữa chánh niệm hiện tại khác với hưởng thụ hiện tại. Tâm lý chấp nhận hiện tại một cách thụ động hay đắm chìm trong đó chính là chủ trương “Hiện tại Niết Bàn luận” được đức Phật xếp vào một trong 62 tà thuyết của ngoại đạo.
Với cách truyền tải nhẹ nhàng, gần gũi lẫn một chút dí dỏm, hài hước với nội dung bám sát thực tế, đời sống hiện tại của các bạn trẻ, Đại Đức Thích Đạo Quang đã mang đến cho toàn thể đại chúng những giây phút trải nghiệm tuyệt vời và hoan hỷ bên cạnh những bài học thực tiễn bổ ích và quý giá để trải nghiệm và thực hành tinh tấn hơn trên con đường tu học và cuộc sống.
(ĐĐ Thích Đạo Quang)
Nguồn: phattuvietnam.net