Quần áo phật tử ngày nay và chút trải lòng xưa cũ
Dáng áo nâu ấy in đậm trong tôi
Những buồn vui được mất như dừng lại trước màu áo ấy
Màu áo khiêm cung
Không phải màu áo trắng tinh khôi thoát tục
Mà là màu của đất tĩnh lặng, đất bao la, đất từ bi ôm lấy cả muôn loài sự sống
Đất khiêm nhường nâng đỡ những bước chân
Đất không sinh cũng chẳng diệt
Đất bình thản nâng đỡ mầm sinh, mà cũng bình thản ôm vào lòng tử diệt
Để ai đó dại khờ cứ than trời trách đất hoài
Sinh diệt đã hiển hiện trước mắt
Mà vẫn không đang tâm, vẫn gào thét đòi mộng huyễn trong biển sương mù trầm luân.
Tôi đã thấy dáng áo nâu ấy. Không chỉ trong lòng Việt Nam mà trên toàn thế giới. Màu áo nâu bình dị đã đi khắp thế giới, giới thiệu với thế giới về một Việt Nam từ bi, một Việt Nam trí tuệ, một Việt Nam khiêm cung. Màu áo trầm mặc mà sâu sắc.
Trong thế giới Phật giáo ngày nay, không hề có một màu áo thống nhất, cũng chẳng có một lễ phục thống nhất. Đó là cái tài tình, cái kì diệu của Phật Giáo. Thể hiện sự hiểu biết sâu sắc và tính linh hoạt của giáo lý Phật pháp tới mỗi vùng đất mà Phật giáo đi đến. Tại mỗi vùng đất này, Phật Giáo biến thể thành chính một phần văn hóa của vùng đất đó. Phật pháp không đòi hỏi “tôi” phải như thế này, phải mặc lễ phục này, phải mặc màu này…Phật pháp tôn trọng văn hóa bản địa, thấu hiểu sâu sắc văn hóa bản địa mà biến thể cho phù hợp. Chỉ có những điều cốt lõi như ăn chay, trang phục giản dị, không trộm cắp tà dâm, không rượu bia nói dối là nhất nhất vẫn giữ. Dù cho vă hóa bản địa thế nào.
Và ở Việt Nam, trong những kí ức xa xưa. Màu áo nâu của người nông dân cần cù lam lũ đã trở thành màu sắc biểu tượng của nhà Phật. Đặc biệt là ở miền bắc. Hình ảnh những thầy tu già trong màu áo nâu sòng đã trở nên quen thuộc, đã trở thành biểu tượng của thứ tôn giáo linh thiêng.
Bẵng qua một thời gian dài trong khói lửa chiến tranh, rồi trong thời kì kinh tế mới. Phật giáo tưởng chừng như bị quên lãng, bị mai một. Bị chìm ngập trong những câu hán tự cổ xưa chẳng mấy người đọc hiểu. Phật giáo thoi thóp, Phật giáo dần bị biến thành một thứ tín ngưỡng cúng bái xa rời thực tế. Phật giáo bị tẩy chay, cho là mê tín dị đoan. Cho là phản khoa học, cho là một thứ tư tưởng lỗi thời từ cả nghìn năm trước.
Rồi đến giai đoạn hiện đại, kinh tế đỡ khó khăn hơn. Cuộc sống dần sung túc trở lại. Mọi thứ mở hơn và phẳng hơn bao giờ hết với internet, với tàu vũ trụ và vệ tinh toàn cầu. Với những con người hiểu được cả xưa và nay. Với những con người dành cả cuộc đời để tìm hiểu Phật Pháp thực thụ, dành cả đời để đem những lời Phật dạy từ nghìn năm trước truyền đạt lại một cách hết sức khoa học, hết sức rõ ràng cho thế hệ trẻ ngày nay. Đã có ngày càng nhiều những bạn trẻ đi chùa. Ngày càng nhiều những trung tâm tu học được mở ra. Và ngày càng nhiều những tấm lòng hướng về Phật pháp.
Và nhu cầu về quần áo phật tử đi lễ chùa ngày càng tăng. Đã không chỉ còn màu nâu sòng giản dị, hay màu lam nhẹ nhàng. Quần áo phật tử đi chùa bây giờ đầy đủ màu sắc, đầy đủ kiểu dáng để phục vụ tất cả mọi người. Và dù có đa biến rất nhiều, quần áo phật tử vẫn giữ được những nét thuần phác mộc mạc nhất định.
Vẫn là chiếc áo bình dị ngày xưa, nay chỉ nhấn nhá thêm nét sen cách diệu, hay chiếc nơ thắt chút điệu đà, những chi tiết nho nhỏ vẫn còn chưa nỡ buông. Màu sắc thì hai màu nâu, lam vẫn là chủ đạo. Nhưng còn có thêm cả màu café, màu tím hay thậm chí cả màu hồng cho những tâm hồn lãng mạng muốn vãn cảnh chùa, muốn tìm hiểu về chốn tĩnh lặng mà người đời hay nhắc đến.
Dù thế nào đi nữa, dù là màu thuần phác khiêm cung, hay màu hồng của kẻ còn muốn bám víu chút bụi hồng trần. Bạn đã chọn cho mình chiếc áo Phật tử, là trong tâm bạn đã có chút hạt giống bồ đề. Bạn đã biết giữa chốn phồn hoa đô hội, chọn lấy những nét thoát tục chân phương. Bạn đã biết tìm lối về, biết tìm hướng đi, vậy là bạn đã đến rất gần với đạo Phật, đạo của trí tuệ và giải thoát rồi đấy!
Vậy đi chùa, có nhất thiết là phải mặc quần áo phật tử không?
Mình cũng không biết! Chỉ là yêu màu áo ấy, yêu dáng hình ấy thì mình mặc thôi. Đôi lúc, cuộc sống quay quắt ngột ngạt với bao tranh đấu, bao dằn vặt không lối thoát. Mình muốn trở về. Muốn lên chùa tìm chút bình an mong manh còn sót lại. Muốn tâm hồn được bình thản đôi chút. Để có thời gian mà lắng nghe thân, tâm mình như thế nào? Nhìn guồng quay chóng mặt của cuộc sống ra sao? Nhìn đám phù vân thong thả nhẩn nha giữa trời thế nào? Những lúc như vậy, mình chỉ muốn mặc chiếc áo nâu sòng giản dị và thoải mái. Mình không muốn ép buộc cơ thể mình với những chiếc quần chật ních, hay cái áo sặc sỡ những ảo vọng kia.
Và cảm giác mặc những bộ quần áo phật tử giản dị lại bình yên đến lạ. Không còn lo xấu đẹp, chẳng còn loay hoay với mốt nọ mẫu kia. Tâm hồn mình bình thản mà ngắm nắng, ngắm mây và nghe tiếng chuông chùa trầm đục đâu đây, trong những tà áo “giải thoát” như vậy đấy!