Sự thật đường Tu, vốn không dễ để chấp nhận – Chân Như
Ngày nay, có rất nhiều người tìm cầu sự thật, nhưng khi tìm thấy thì họ lại bỏ chạy, tại sao lại vậy… (?) Bởi sự thật nó rất trần trụi và cũng không dễ để chấp nhận.
Bởi niềm tin về cái bóng của sự thật đã phản chiếu và ăn quá sâu trong niềm tin của mỗi người, họ nhìn mọi thứ theo dạng mảnh vỡ từ cái bóng mà thôi, họ không muốn nhìn thấy toàn cảnh, không muốn chấp nhận sự thật, không muốn chấp nhận quy luật vốn là bất biến dù họ rất muốn tìm kiếm sự bất biến.
Sự tìm kiến đó đã trộn lẫn của cái Tôi cao thượng và cái Tôi ham muốn ở đó. Nên cái tôi nó không chấp nhận, nó phản ứng, nó bỏ chạy…
Tu không chỉ là ăn chay và khoác lên cái áo…, ăn chay chỉ là một thứ rất bề nổi mà thôi, ăn chay là phù hợp với thể trạng của bản thể tâm linh, bởi bản thể vốn thanh tịnh nên ăn chay thực chất không phải vì yêu thương động vật như là những người bạn, mà trước hết là yêu thương và tôn trọng bản thể vốn thanh tịnh của chính mình trước đã, chỉ có như vậy mình mới trở về với sự thanh tịnh của bản thể, sau đó mình mới yêu thương và tôn trọng sự sống của muôn loài như là những người bạn được, ở đó không có khoảng cách, nó là sự giao cảm và hòa quyện lẫn nhau…
Tu là sửa đổi, là phải vượt qua những tàng thức rắn chắc sâu bên dưới mới là một người Tu.
Tu không phải là học cách để lẫn tránh và che đậy, không phải là sự trốn chạy và dùng một cái gì đó để khỏa lấp, kể cả học và hành thiền… nếu không hiểu cốt lõi bản chất.
Ví dụ: Nỗi Sợ hãi nó ở rất sâu…
Nếu các Bạn sử dụng việc Tu tập chỉ để lẫn tránh nỗi sợ hãi thì đừng tu mà hãy dừng lại, nhìn ra cốt lõi và vượt qua nó trước.
Nếu bạn Tu để che đậy nỗi sợ hãi thì việc học và tu đó cũng nên vứt hết đi.
Nếu bạn tu mà làm cho cái Tôi sợ hãi to lên thì cũng nên vứt luôn… Nó là đồ giả các bạn!
Nếu bạn tu và thiền chỉ để đạt được sự bình an cho tâm trí thì cũng chỉ là sự khỏa lấp tạm thời, bởi vừa bước ra khỏi thiền là mọi thứ vẫn y chang vậy!
Nếu bạn tu và muốn rời khỏi thực tại để chạy tới với Niết bàn hay Cực lạc thì cũng chỉ là ảo tưởng của tâm trí mà thôi…chỉ là sự bỏ chạy thực tại, bởi vì bạn không có đủ Trí tuệ để chấp nhận và vượt qua nó ngay lúc này.
Khi không nhìn ra cốt lõi, thì mọi thứ chỉ tô đắp và che đậy một cách khéo léo dưới danh nghĩa của chữ Tu mà thôi, đó chỉ là chạy trốn.
Vào thời điểm này, mọi người đã trải nghiệm quá nhiều ký ức của khổ đau và mất mát, nên họ luôn luôn sợ, họ luôn nghi ngờ và có sự đề phòng, thế nên họ chỉ muốn tìm kiếm một sự an toàn vĩnh hằng vĩnh cửu mà thôi… Họ không chấp nhận sự sống vốn luôn luôn vận động không bao giờ ngừng nghỉ.
Thế nên mới có chuyện…
Mọi việc họ làm cũng vì nỗi sợ mà làm, hoặc không làm cái gì đó cũng vì nỗi sợ nên không làm… Họ sợ đủ mọi thứ, bởi lúc này, trên toàn thế giới, nơi nào cũng dao động và bất an…
Họ sợ đủ thứ…
Sợ chết… bởi không “thật biết” chết rồi mình về đâu. Mình có về được nơi đó hay không…
Sợ bị người khác cười chê… nên phải cố gồng mình để thể hiện những điều tốt đẹp ra bên ngoài và đồng nhất mình với nó, rồi thì phải cố đè nén và che đậy những điểm yếu bên trong…
Sợ bị người khác xem thường… Bởi họ không nhận ra tàng thức nguyên thủy của mình để tự mình sống với lòng tự trọng của chính mình.
Sợ mình không có giá trị… Bởi họ đã đồng nhất giá trị của bản thể bên trong với những hành vi bên ngoài…
Sợ mình không được yêu thương và tôn trọng… Bởi họ không yêu thương và tôn trọng bản thể của chính mình.
Sợ mình bị bở rơi… Bởi họ không biết quay về và sống với Bản thể, chính bản thể mới bị bỏ rơi.
Sợ mình thất bại, sợ mất mát, sợ khổ đau… Bởi không nhận ra ích lợi và ý nghĩa cho sự thanh toán và trưởng thành trong những thất bại, mất mát và khổ đau…
Nỗi sợ ngày nay quá lớn…
Nên mọi người tìm kiếm những tấm áo lộng lẫy để trốn chạy khỏi nỗi sợ đang đuổi bắt họ, họ khoác lên những chiếc áo rất đẹp để che đậy, họ khoác lên giới luật để làm tấm bình phong với người khác… Họ muốn như vậy…
Còn bạn…?
Bạn đã vượt qua nỗi sợ của chính mình chưa?
Bạn tu vì không còn con đường nào để đi hay sao?
Bạn tu để chạy trốn khổ đau bằng một ảo tưởng về hạnh phúc, thay vì chấp nhận sự thật và chuyển hóa khổ đau? Mọi thứ chỉ là nỗi sợ mà thôi…
Nếu bạn vượt qua nỗi sợ của chính mình thì khi đó bạn mới có thể chấp nhận sự thật như nó vốn là vậy, và khi đó bạn sẽ không còn lạm dụng sự thật vào việc trốn tránh của chính mình…
Vượt qua nỗi sợ bạn sẽ “là yêu thương”, bạn sẽ là tôn trọng, bạn sẽ không có sự phân biệt, bạn sẽ làm được điều mà mình thật sự mong muốn.
Vượt qua nỗi sợ bạn mới có niềm hạnh phúc thật, niềm hạnh phúc đó lớn vô cùng.
Nỗi sợ sẽ khiến bạn đóng mình lại, co lại, đậy lại, khép lại…, và bạn chỉ yêu thương khi cái tôi nó thấy an toàn và phù hợp với nó mà thôi. Nỗi sợ nó khiến cho bạn phản ứng khi có cái gì đó khác với sự định dạng ban đầu mà cái tôi đã cố công tô vẻ và vun đắp.
Nỗi sợ khiến bạn trở nên méo mó, méo mó từ trong nhận thức dẫn đến tư duy méo mó, rồi cách nhìn méo mó, nên lời nói và hành động sẽ méo mó… Vậy kết quả sẽ thế nào?
Bạn sử dụng việc tu tập một cách rất mãnh liệt để đánh lừa tâm trí và phớt lờ mọi thứ đang hăm dọa và thách thức bạn?
Vậy thì, việc tu đó chỉ nhằm lừa dối tâm trí trong sự bình an tạm thời mà thôi, bởi gốc rễ nó vẫn còn nguyên ở đó, không ai chỉ cho bạn gốc rễ ở đâu và giải pháp như thế nào, bởi họ cũng không thấy bên trong họ thì làm sao họ có thể nhìn thấy được ở bên trong bạn?
Mọi thứ chỉ là bề nổi, gặp cơn gió là lung lay… Khác với sự thật, sự thật vốn chuyển động trong những quy luật bất biến…
Ảo tưởng là muốn rời khỏi sự thật, không chấp nhận sự thật vốn sống và luôn vận động, nên họ trở nên dao động trong sự vận động đó, dù bên ngoài họ vẫn cố tỏ ra bình thường… nhưng những cơn bão sẽ tiếp tục đến, cho đến khi nào ảo tưởng được lôi đi hết mới thôi.
Chúng ta hãy chấp nhận và tôn trọng một sự thật rằng: Phần đông những người tìm kiếm sự thật, khi gặp sự thật là co giò bỏ chạy… chạy thật nhanh, chạy càng xa càng tốt…
Bởi họ đã quá quen với sự thật ở dạng tưởng tượng của tâm trí, thế nên: Họ muốn đạt đến sự vĩnh hằng, và họ sẽ chọn 2 nơi:
Một là Niết bàn:
Thì đúng, Niết Bàn mãi mãi là vĩnh hằng, bởi ở đó không có sự sinh diệt của vật chất lẫn tinh thần, bởi mọi thứ nơi đó tồn tại ở dạng gốc… Linh hồn và vật chất đều ở dạng gốc, mọi thứ ở dạng gốc vốn vĩnh hằng.
Và họ muốn sự vĩnh hằng đó, bởi họ quá chán ngán với sự thay đổi và dao động, họ sợ sự thay đổi, họ muốn trốn tránh sự thay đổi… bởi với họ sự thay đổi là khổ đau.
Nếu các bạn hỏi họ, bạn từ đâu đến thì họ không trả lời được…
Thế nhưng, nếu bạn hỏi họ, Niết bàn là gì? họ sẽ nói là Ngôi nhà vĩnh cửu vĩnh hằng…, và họ sẽ tiếp tục nói với bạn rằng, kiếp người rất quý báu, tu mau để “trở về Nhà”… (!)
Nghĩa là, “Nhà hay Niết bàn” chính là nơi họ đã ra đi, có vậy phải không? nếu không, sao họ lại nói “trở về nhà” (?)
Thế có nghĩa là họ “tự phủ định và họ lại tự khẳng định” ngay trong sự hiểu biết của chính mình.
Bởi nếu nhà là chốn quay về, nghĩa là bạn đã từ đó và rời đi trước đây, để đến nơi này, đúng vậy không (?)
Thứ hai, Nếu Niết bàn là Vĩnh cửu không xuống thế giới hữu hình nữa, thì sao bạn không ở mãi mãi trên đó như bạn đã nói, mà bạn lại có mặt ở đây vào lúc này (?) bởi đó là nơi không đến không đi, vĩnh hằng vĩnh cửu mà…!
Bạn đã nhìn thấy chiều sâu ở đây phải không?
Sự mâu thuẩn bởi họ không chấp nhận toàn vẹn của sự thật, khi họ nói về mặt này họ sẽ phủ định mặt kia, khi họ nói về mặt trái họ phủ định mặt phải.
Họ không nhìn ra hai mặt, hai mặt ấy vốn không tách rời là: sự vĩnh cửu và sự vận động. Dù họ nói linh hồn là một thực thể sống, Tạo hóa là một cơ thể sống.
Đại cơ thể vốn nó là một thể thống nhất và luôn luôn sống, nó không có sự tách rời và nó luôn vận động cùng nhau trong một hệ thống quy luật bất biến, nên không thể có chuyện cái chân thì bước đi còn cái tay thì cứ nằm yên một chỗ… không có chuyện bạn cứ ở mãi trên ngôi nhà Niết bàn khi sự vận động đã chạm đến bạn, và ngược lại, không có chuyện bạn có thể bỏ nửa chừng để đi về nhà khi mối liên hệ giữa bạn vẫn níu bạn đi trong một cơ thể lớn.
Bạn chỉ là một tế bào trong đại cơ thể mà thôi, làm sao một tế bào có thể tự mình rời ra khỏi cơ thể một cách tự ý được chứ? có phải vậy không?
Hai là Thiên Đường hay Cõi Tây Phương Cực Lạc:
Mọi người cứ muốn đi đến đó…
Rất tốt, thế nhưng, khi bạn vào một công ty bạn phải đi qua vòng phỏng vấn của họ, và đáp ứng những tiêu chuẩn của công ty đó, phải vậy không?
Thiên đường có tiêu chuẩn của nó, không phải vậy sao?
Đâu phải cứ muốn là được, mọi thứ đều cần có sự thấu hiểu…
Nếu bạn bỏ lỡ hiện tại và mong mình sẽ có một tương lai tốt đẹp chỉ là một giấc mơ, không có thật!
Bạn không thể chạy trốn mọi trách nhiệm và mọi tài khoản nợ mà có thể đi đến chốn không vương sầu muộn ấy.
Bạn không thể đến thế giới Hạnh phúc miên viễn đó nếu ở đây bạn bất an và khổ đau, bởi bạn không loại bỏ đi những tàng thức rắn chắc đang trói buộc ở bên trong bạn thì làm sao bạn có thể đồng thanh tương ứng với nơi đó được?
Đại vũ trụ là sự sống, nó luôn luôn vận động, không có bất cứ thứ gì là đứng yên mãi mãi, nó chỉ đứng yên tạm thời khi dòng chảy chưa chạm đến nó mà thôi.
Bạn sẽ ở Niết bàn khi phần vai của bạn chưa chạm tới mà thôi, khi chạm tới thì bạn sẽ có mặt ở đây… bởi nếu không thì làm sao bạn lại có mặt ở đây, Niết bàn là Vĩnh cửu mà.
Nếu bạn nói rằng: Thiên đường hay Cõi Tây Phương là ở trên Trời, hay còn gọi là thế giới tinh thần của thể vía… vậy ở trong thể vía làm sao bạn có thể trải nghiệm mọi thứ, ví dụ, các con ma làm sao nó có cơ thể để trải nghiệm, nó chỉ cảm nhận thông qua cảm xúc của tâm trí mà thôi, làm sao thật được, bạn biết rằng không nên cúng cho ma, bởi ma có ăn được đâu mà cúng, chỉ có thế giới hữu hình mới mang lại trải nghiệm thật cho linh hồn mà thôi.
Thiên đường ở các cõi trời chỉ là linh ảnh các bạn ạ, nó không phải là Thiên đường thật đâu.
Tốt lắm,
Với tôi, điều cần thì cứ nói, việc cần thì cứ làm, bởi tôi không muốn sau này, khi vỡ kịch đã hạ màn kết thúc thì mọi người choàng vào cho tôi một tràng hoa của sự khiếu nại…
Tôi không muốn vậy đâu, tôi cũng không bảo ai nên đi theo mình, bởi tôi đi theo sự thật, mà sự thật vốn không dễ dàng, vì cái tôi và niềm tin của bạn sẽ bị thách thức rất nhiều, nếu muốn đứng về phía sự thật thì bạn phải bỏ đi ảo tưởng, bạn phải loại bỏ những gì mâu thuẩn không thật mà bấy lâu nay bạn đã tô đắp.
Tôi chỉ muốn tràng hoa của tình yêu thương không điều kiện, tràng hoa của niềm hạnh phúc không vướng bận, tràng hoa của sự tôn trọng và sẻ chia không mong cầu mà thôi…
Quyết định là của mỗi người, và tôi luôn tôn trọng mọi quyết định, tôi luôn tôn trọng ở mọi nơi tôi đặt chân đến và họ cũng tôn trọng tôi, tôn trọng những việc tôi làm.
Tôi chỉ muốn đeo vào tràng hoa của niềm hạnh phúc và mãn nguyện hài lòng!
Chân Như