Bí mật đằng sau những vai diễn cuộc đời
Vai diễn cuộc đời, chẳng ai còn xa lạ với khái niệm này. Ta biết đấy, nhưng vẫn diễn theo thói quen, theo quán tính đã ăn sâu vào máu rồi. Phải có chánh niệm từng giây, từng phút ta mới có thể tách khỏi con đường ấy mà nhận ra mình đang diễn sâu đến nhường nào, mình đã tự lừa dối mình thành thực tại như thế nào.
Tôi là người mẹ, và người mẹ phải như thế này, như thế kia. Tôi là một bác sĩ, và bác sĩ phải sống làm sao cho giống bác sĩ…vân vân và vân vân. Bởi quá quen với những vai diễn của mình đến mức không nhận ra là vai diễn. Ta cứ sống mà chẳng nhận ra nổi chính mình.
Trong kịch truyền thống, diễn viên giỏi là người nhập vai tuyệt vời có thể khiến khán giả tan hòa vào vở kịch và quên mất là mình đang xem kịch. Nhưng Bertolt Brecht, nhà soạn kịch lừng danh người Đức đã cuốn hút khán giả hiện đại bởi lối dựng kịch “gián cách”. Xem kịch của ông, khán giả biết là mình đang xem một câu chuyện và các vai diễn đều chỉ là vai diễn. Mỗi diễn viên trong kịch có thể đóng nhiều vai khác nhau. Luôn có một “người kể chuyện – người dẫn chuyện”, nhắc ta là: bạn đang xem diễn kịch đó, không phải là đời thật đâu nhé.
Và đây cũng là chủ đề cho câu chuyện của chúng tôi trong buổi gặp mặt thứ 4 hàng tuần.
Đó là lúc nhìn lại bản thân, cùng nhau chia sẻ trải nghiệm chuyến hành trình khám phá bí mật của việc làm thế nào vượt qua những cảm xúc buồn rầu và đau khổ – và, làm thế nào để nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, tích cực, sự hài lòng … những điều không chỉ mang lại lợi ích cho chúng ta mà còn cho mọi người quanh ta.
Trong đời sống, ta phải đóng nhiều vai khác nhau, có liên hệ với vô số người khác nhau mỗi ngày. Phần lớn những sự đau khổ buồn phiền của ta đều xuất phát từ các vấn đề của “mối quan hệ”. Tại sao?
Hy vọng và mong muốn là hai điều khác nhau. Hy vọng là niềm tin vào điều tốt đẹp luôn tồn tại vĩnh viễn trên thế giới này – còn mong muốn là ta chờ đợi một điều tốt đẹp nào đó mà ai đó sẽ mang lại cho ta.
Trong cuộc sống, hình như chúng ta đều quá nhiều sự mong muốn, mà có quá ít hy vọng? Đa phần các mối quan hệ đều mang hình ảnh của một cuộc “kinh doanh”, kể cả tình yêu đôi lứa hay tình mẹ con. Điều này nghe thật không lãng mạn tí nào, nhưng đó là sự thật. Sự liên hệ giữa người và người xuất hiện khi chúng ta bắt đầu cùng chia sẻ những điều ta mong muốn – điều đó giống như một sự thỏa thuận làm ăn ngầm (mà nó xảy ra tự động trong tiềm thức, có thể ta còn không thể nhận ra). Chúng ta mong muốn sẽ nhận được điều ta cần từ người kia, và ngược lại.
Sự gặp gỡ của những niềm mong muốn đó khơi nguồn cho cảm xúc xuất hiện.Chúng ta bị điều khiển bởi cái muốn, nhưng lại không nhận ra nó, mà chỉ nhận ra những dấu hiệu cảm xúc và dễ bị nó dẫn dắt. Ta quên mất cái gốc của nó là sự kết hợp của những ước muốn. Chúng ta cần tỉnh táo nhận ra nguồn của cảm xúc đó tới từ đâu, và cái ta muốn ở đối tác là gì. Và khi hiểu rõ nó, cũng giống như một cuộc làm ăn, ta cần biết chấp nhận sự thành công hay thất bại, có nghĩa là ta chấp nhận có thể ta sẽ không bao giờ nhận được điều ta (thầm) mong đợi ở người kia. Biết chấp nhận sẽ giúp ta tìm ra lối thoát mà không rơi vào sự thất vọng, sợ hãi hay tức giận.Đằng sau mỗi mối quan hệ còn ẩn giấu một sự tự định nghĩa bản thân: chúng ta luôn gắn mình với một vai trò nhất định trong mối liên hệ đó.
Ví dụ một bà mẹ, một ông chủ, hay một giáo viên … thường sẽ gắn mình với vai trò đó và ta quan tâm tới việc đồng nhất mình với nó, bởi vì đóng vai trò đó có thể sẽ mang cho ta những cảm xúc mạnh mẽ và “gây nghiện”. Một lúc nào đó, ta quên mất rằng đó chỉ là một vai trò mà ta đang đóng. Ta tự coi mình là một bà mẹ/ông chủ/ giáo viên…
Trong thực tế, sự đồng nhất hóa này sẽ dẫn tới việc bạn mong cầu những điều khác từ đối tác. Ví dụ: Nếu tôi là thầy/mẹ/sếp của bạn, thì bạn đương nhiên sẽ là học trò/con/ người làm. Tôi sẽ có cách đối xử với bạn đúng với vai trò của hai ta. Khá thường xuyên là: Tôi ra lệnh/bạn vâng lời. Tại sao? Bởi vì tôi là thầy/mẹ/sếp ..Và thế là hầu hết các mối quan hệ trở nên gượng ép. Chúng ta không đến với nhau như những con người đến với con người, mà là những vai trò trong một cuộc chơi (mà nhiều phần trở thành cuộc chiến). Những mối liên hệ trở nên thiếu sự cảm thông, nhiều va chạm, thậm chí vô nghĩa, bởi ta chỉ nhìn vào cái muốn của cái “vai diễn” mà ta đang đóng, chứ không nhìn vào cái thực của những con người đang cùng trong mối liên hệ với ta.Ta chỉ lắng nghe những gì củng cố vai trò ta đang đóng – chứ không phải sự thật!
Sự tỉnh giác của con người là ở chỗ chấp nhận những vai diễn ta cần phải đóng trong đời sống, nhưng không bị cái bẫy của ham muốn giam giữ mình. Biết đeo mặt nạ khi cần nhưng cũng luôn biết bỏ nó ra đúng lúc.
Hãy đóng những vai diễn của mình nhưng nhớ rõ là đó chỉ là vai diễn, đằng sau tấm áo của người mẹ/ thầy giáo/ ông chủ – học trò/ đứa con/ người làm … đều là những con người với những cảm xúc và mong đợi như ta.Khi ta gieo hạt mầm đầu tiên của một mối quan hệ, hãy tưới nó bằng Hy vọng. Người mẹ sinh ra con và trao cho nó niềm hy vọng đứa trẻ sẽ lớn lên trong bình an và hạnh phúc, niềm vui. Đừng tưới nó bằng mong muốn rằng nó sẽ trở thành thiên tài, thành công và địa vị. Những cái muốn chỉ để thỏa mãn sự ích kỷ của vai trò ta đang đóng.
Facebook: Phuong Hoa Le