Làm sao khi mình vẫn còn chạy sau các dân tộc khác cả trăm năm kiến thức?
Đến lớp, đi thi…chúng ta vẫn phải gồng mình học thuộc làu từng dấu chấm, dấu phảy trong quyển sách mới được cho là giỏi, là có kiến thức. Ở nhà, bố mẹ làm hết tất cả mọi việc để con cái có thời gian học hành. Thực ra là chỉ học chứ đâu có hành đâu. Cuối cùng chúng ta có cả một thế hệ chỉ biết đọc sách. Chúng ta đẩy chúng ra đời rồi đòi hỏi chúng phải biết làm thế này thế kia. Chúng không làm được thì chúng ta gào thét chửi bới đổ lỗi cho hệ thống giáo dục, cho xã hội. Chúng ta, chưa một lần đã chịu nhìn lại những dấu vết sai lầm đã làm ra điều đó?
Chào các bạn,
Có lẽ các bạn đã nghe cụm từ “học từ chương”, như là một nét lớn trong văn hóa Việt truyền thống. Học từ chương là học thuộc lòng Tứ Thư Ngũ Kinh, đi thi, đậu cao và làm quan.
Truyền thống học như thế thì nước ta nghèo yếu mãi cũng phải. Từ học thuộc lòng nhảy ra làm quan – không suy nghĩ, không phân tích, không phản biện, không thực hành, không kinh nghiệm làm lính, từ học trò học thuộc lòng nhảy ra làm quan nhờ thi đậu.
Nhưng quan trọng hơn vậy, truyền thống từ chương này ngày nay vẫn còn rất mạnh trong văn hóa Việt Nam. Trong lớp học, truyền thông có khuynh hướng đi một chiều từ thầy cô đến học trò. Phân tích, phản biện và thảo luận rất hiếm hoi. Hầu như chẳng có gì để thực hành. Học sinh học như thế từ tiểu học cho đến hết đại học. Kinh nghiệm làm việc hầu như không có.
Mình chẳng biết làm sao để thay đổi cả hệ thống nhanh chóng. Cách sống có trong máu xương của cả một dân tộc thì phải tốn rất nhiều năm để thay đổi. Nhưng mỗi người chúng ta cần biết cách tự thay đổi cho chính mình ngay tức thì, vì bạn không muốn thay đổi với vận tốc của cả nước, tức là 50 năm đi được một mét.
Hãy học suy nghĩ, phân tích và phản biện, trong lớp hay trong các nhóm học tập cùng bạn bè. Gọi bạn bè lại thành lập các nhóm học tập 3, 4 người để học chung.
Tìm cách thực hành – tham dự vào các công việc xã hội từ thiện, làm việc bán thời gian trong thời gian đi học. Thực hành, dù là thực hành gì, đều cho mình kinh nghiệm thực hành, tức là sống thật, bên ngoài các cuốn sách. Như vậy, chúng ta sẽ thông thái hơn rất nhiều, biết lý thuyết, biết phân tích và phản biện, biết thực hành.
Nói chung, rất dễ nhận ra là sinh viên đại học ở nước ngoài trưởng thành hơn sinh viên đại học Việt Nam rất nhiều. Sinh viên đại học nước ngoài thường đã làm việc mấy năm rồi, từ hồi 13, 14 tuổi, rất nhạy bén về làm việc, tốt về làm việc nhóm, và kỹ năng lãnh đạo cũng cao. Những điều này chẳng tự nhiên mà có, mà nhờ cách sống của mình từ hồi còn nhỏ.
Hai cô con gái của mình cũng được ba mẹ tập cho làm việc từ lúc 11, 12 tuổi (như giữ em cho người khác, lớn một chút chừng 15 tuổi thì làm việc trong các nhà hàng…). Kết quả thấy rất rõ là khi ra đời các cô con gái mình thành thạo, nhạy bén, và thành lãnh đạo rất nhanh.
Lãnh đạo ở nước ta lớ ngớ lẩn ngẩn rất nhiều, vì phần đông không có truyền thống làm việc từ nhỏ. Nhìn những công ty nhà nước phá tiền và phá sản thì thấy, quan chức chưa hề có kinh nghiệm bán bánh mì từ nhỏ đến lớn, tự nhiên lấy tiền của dân xây khách sạn, doanh nghiệp, hay hãng xưởng gì đó hàng triệu đô la, làm giám đốc, và sập tiệm. Tiền chùa nên các vị không quan tâm nếu mất. Thiên hạ chẳng hề biết giá trị của kinh nghiệm, cứ cho rằng có tiền là làm ra tiền. Cái học từ chương tạo ra nhiều người như thế.
Các bạn, rất nhiều người đã nói đến học từ chương rồi, mình có lẽ là người thứ mười triệu, chứ không phải người đầu tiên. Nhưng mình sẽ là người đầu tiên nói với các bạn: Để vấn đề thay đổi hệ thống ở đó, từ từ giải quyết, vì hệ thống có thể tốn vài chục năm mà chỉ đi vài bước. Điều ta có thể giải quyết ngay tức thì lúc này là: Nếu bạn là học trò thì tìm cách có một việc làm sau giờ học; nếu bạn là ba mẹ thì khuyên con đi làm. Đi làm vừa đủ giờ, không quá nhiều, thì không hại đến sự học của bạn mà có thể làm bạn thông minh hơn.
Đất nước của chúng ta có nhiều vấn đề. Cách giải quyết nhanh nhất, ngay tức thì, là mỗi người chúng ta giải quyết vấn đề cho chính mình.
Chúng ta phải thông minh và năng động, để chiến đấu với thế giới trong thời đại toàn cầu hóa này. Các bạn có thực sự hiểu toàn cầu hóa là gì không? Là mình phải cạnh tranh với mọi dân tộc khác của thế giới.
Chúc các bạn hiểu đời.
Mến,
Hoành
© copyright 2017
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com