Câu truyện về Trầm Hương và những bí ẩn cung đình chưa từng được tiết lộ (Kỳ 3)
Bí ẩn trầm hương – Kỳ 3: Dụng trầm
Trầm có tác dụng tuyệt hảo đối với sức khỏe con người, theo 3 con đường: xông, uống và ăn.
Trầm trong thiên nhiên có tác dụng khử độc không khí, trừ lam chướng, làm trong sạch môi trường sống. Người xưa biết rõ điều này nên mới tổng kết: “tẩy vũ trụ chi trược”.
Khử uế một cách triệt để
Tính chất “tẩy vũ trụ chi trược” có thể đem áp dụng để khử uế. “Khử uế một cách triệt để, ngoài trầm hương không thứ gì giải quyết được”, ông Ưng Viên khẳng định. Và tôi được biết một câu chuyện thú vị.
Vào năm 2008, một tàu của Mỹ chở thuê hải sản tải trọng 1 vạn tấn, khi cập cảng Nhà Bè (TP.HCM), cảng vụ phát hiện tàu bị ô nhiễm nặng (mùi hôi thối quá mức), nên không cho phép xuất cảng vì theo quy định quốc tế thì tàu phải được xử lý ô nhiễm mới được rời khỏi cảng. Kỹ thuật khử uế của người Mỹ trên tàu không giải quyết được. Cảng vụ phải mời các chuyên gia của một viện từ Hà Nội vào xử lý cũng không xong.
Người phụ trách công việc ở cảng có quen biết với ông Ưng Viên nên mời ông thử xử lý giúp. Ông Ưng Viên đồng ý, với một điều kiện: các thủy thủ phải uống một thứ rượu có pha… nguyên liệu xử lý tàu. Quá khiếp với điều kiện này, nhưng thấy người ở cảng “gương mẫu” uống trước, các thủy thủ cũng uống.
Chỉ sau 1 ngày 1 đêm, ông Ưng Viên đã giúp xử lý sạch con tàu bằng hai phương pháp: nửa phun, nửa xông. Các thủy thủ vô cùng kinh ngạc về kết quả trên đã gọi điện cám ơn ông rối rít và vui mừng cho biết sau khi uống thứ rượu đó sáng ngủ dậy trong người lại khỏe ra. Rượu đó chính là rượu pha trầm. Còn thứ nước phun xử lý tàu thì vẫn còn 60 lít họ xin được mang theo.
Kể lại câu chuyện này với tôi, ông cười nói: “Tôi cho họ mang về 60 lít nước đó, nhưng chắc chắn họ không thể phân tích được nó có những chất gì”. Phương pháp của ông là di sản gia truyền “Bí mật quân lương và khử uế tàu chiến” của cung đình nhà Nguyễn. Chất liệu căn bản của nó là trầm hương và trà.
Tác dụng tuyệt hảo đối với sức khỏe
Trầm có tác dụng tuyệt hảo đối với sức khỏe con người, theo 3 con đường: xông, uống và ăn.
Về y lý, hương trầm xông lên có tác dụng điều khí, rất tốt cho sức khỏe. “Xông hương trầm thường xuyên không bị máu đông ở động mạch, phổi không bị nghẽn, xoang không bị viêm, không u bướu, không liệt dương liệt âm lãnh cảm…”, ông Ưng Viên vừa nói vừa đưa tôi tới gần bình xông trầm đang ngát hương. Cái bình xông trầm này do ông cùng 2 kỹ sư người Nhật và Đài Loan nghiên cứu chế tạo, nguyên liệu được lấy bằng thứ cát đặc biệt tại Nha Trang ở độ sâu 20 mét. Bình xông trầm hiện nay trên thị trường có thứ của Nhật, có thứ của Hàn Quốc, có thứ của Trung Quốc, Đài Loan, xông bằng những cái bình ấy có thể giải phóng được 50% hương trầm, còn bình xông của ông có thể giải phóng được 95%.
Ông Ưng Viên tỏ ra bức xúc về vấn nạn sức khỏe do môi trường ô nhiễm hóa chất và thức ăn công nghiệp hiện nay khiến cho các bệnh về hô hấp và tiêu hóa gia tăng. Hai phương thang: Ôn tì bình vị (gồm trầm, xuyên bối mẫu, toàn quy, thăng ma, bạch truật…) và Kiện tì tiêu thực (gồm trầm, xuyên khung, bạch truật, toàn quy, liếu tiếu thảo…) có thể giải quyết triệt để các bệnh này, không tái phát.
Các thang “Thanh khí ôn phế”, “Điều huyết dưỡng khí”, “Nhứt dâm cửu dựng”, “Ôn dương cố thận”… như tên gọi của chúng, chữa những bệnh về đường hô hấp, khí huyết, bổ dương… đều dùng trầm làm vị chủ. Ông Viên không coi trọng những bài thuốc “tráng dương”. “Tráng dương” thì nhất thời. “Bổ dương”, “ôn dương” mới là sự bền vững, mà chuyện này thì không thứ gì qua nổi trầm.
Việc dụng trầm của ông Viên hình như đạt đến độ xuất thần nhập hóa. Như trên đã nói, trong những giờ khác nhau trầm tỏa ra các mùi hương khác nhau. Chỉ riêng việc lấy trầm từ cây trầm ra để chế biến cũng được thực hiện vào những thời khắc thích hợp, tùy theo khí hậu, loại bệnh và đặc tính của từng người bệnh. Ngay cả trong chuyện đơn giản hơn như ẩm thực, ông cũng áp dụng các nguyên tắc này.
Ông nói cũng là thứ rau húng trồng trong một vườn rau nhưng có khi ăn thấy ngon, có khi ăn không thấy ngon. Vì sao vậy? Vì rau ăn không ngon là do hái không đúng giờ. Rau húng phải hái vào lúc 5 – 6 giờ sáng hoặc 5 – 6 giờ chiều thì ăn mới ngon, vì những thời điểm đó rau tiết ra những chất tốt nhất, còn các giờ khác thì rau tiết ra một số chất xấu.
Sự trải nghiệm với trầm của ông Ưng Viên còn thể hiện ở lượng trầm mà ông đang có. Hơn 30 năm nay ông đã dùng hết tài sản và đi vay mượn để tích lũy cả một kho tàng: Hơn 60 tấn trầm và kỳ nam, gồm 36 cây trầm lớn, bình quân mỗi cây gần 2 tấn, mật độ ăn trầm từ 60-80%. Những cây trầm ông giữ đều được lấy theo đúng nguyên tắc: tất cả đều đã chết rũ trên rừng, vận chuyển về đều hợp pháp, có dấu búa kiểm lâm. Phần lớn những cây trầm ông đang có là độc nhất vô nhị, không còn tồn tại trong thiên nhiên.
Nhà ông ở TP.HCM có một xưởng chế tác trầm, có một “đội thợ trầm hoàng tộc” – là hậu nhân của các thợ trầm cung đình khi xưa giúp việc. Ông và những người thợ tạc những cây trầm thành các tác phẩm nghệ thuật để lưu giữ lại cho con cháu, ông chưa hề bán và sẽ không bán một kg trầm nào. Ông dùng lớp vỏ sát lõi có nhiễm tinh dầu trầm và kỳ nam để làm thuốc, đó là phần làm thuốc tốt nhất. Lớp ngoài nữa, nhiễm tinh dầu ít hơn, ông dùng làm nguyên liệu cho nồi xông chữa bệnh. Lớp ngoài cùng dùng làm hương.
Tôi nhiều lần được đến xem xưởng trầm của ông, nghe ông giới thiệu xuất xứ của từng cây trầm và đặc tính của từng loại trầm. Ở đây có đủ các loại trầm, các loại kỳ nam. Tôi hỏi ông, ông Lê Quý Đôn nói đốt trầm lên thì khói xoáy rồi sau mới tan, còn đốt kỳ nam thì khói lên thẳng và dài, nói như vậy có đúng không. Ông cười, bảo rằng nhà bác học Lê Quý Đôn rất giỏi nhưng ông ấy không có cơ hội tiếp cận đầy đủ với “hiện vật” nên vừa đúng vừa sai.
Khói vút lên thẳng như sợi dây là đúng, nhưng chỉ đúng với kỳ nam hương thôi, còn các loại kỳ nam khác thì khói vẫn xoáy. Ông vừa nói vừa chỉ vào một cái hốc của cây trầm cao to trong xưởng đã tạc thành tượng, ở đó lộ ra một cái lõi to và dài màu vàng sậm: “Kỳ nam hương là thứ này đây, chỗ này ít nhất cũng vài chục kg”. Kỳ nam hương giá rẻ hơn các loại kỳ nam khác, khoảng 2 – 3 tỉ đồng trên thị trường thế giới, nhưng có giá trị chữa bệnh tốt nhất trong các loại kỳ nam, tuy kém thua trầm.
Dưới đây là một số công dụng chữa bệnh của Trầm Hương:
- Trầm kết hợp với thịt dê – ngọc dương, nghệ vàng, nghệ đen, măng tre (vắt lấy nước), nước gạo rang … ăn vào có thể làm sáng mắt, thính tai, trị chứng đau nhức.
- Trầm kết hợp với chè, có thể ngừa và trị được các “mắc mứu” ở phổi, đường hô hấp, tim mạch, tiêu hóa.
- Trầm làm rượu, uống vào sáng mắt, trị viêm họng, đau dạ dày, nghẽn động mạch tim, làm mạnh thần kinh cơ bắp.
- Trầm kết hợp với vảy cá rô đồng có thể trị triệt để các bệnh về tiêu hóa của trẻ nhỏ.
- Trầm kết hợp với vảy cá rô đồng cộng thêm với chè có thể chữa kiết lỵ, tiêu chảy, thương hàn.
- Trầm kết hợp với trúc nhự (dịch măng tre) có thể chữa chứng cành hông, làm tiêu hóa không bị xáo trộn.
- Trầm kết hợp với ma hoàng trị được các bệnh phụ khoa.
- Trầm dùng trong thang “Diệc nhan minh mục” (kết hợp với các thảo dược khác) làm cơ thể trẻ lại, mắt sáng ra.
Sưu tầm