Câu chuyện đằng sau nhân quả (phần 10) – Tiếng thì thầm của quá khứ

Thắng đang làm ăn rất thuận lợi. Cả hội của anh ai cũng có tiền án, tiền sự nhưng bây giờ thì mọi người đã được sống yên ổn và đầm ấm.

Qua khứ

Nhìn vào ai cũng tưởng rằng họ đã quên hết quá khứ rồi. Nhưng thật ra thì quá khứ là rất khó quên. Quá khứ có tiếng thì thầm riêng của nó và Thắng là người biết điều đó rõ nhất. Anh thường thức giấc vào nửa đêm và sau đó không ngủ lại được nữa. Anh cố nhắm mắt lại, nằm thật im mà vẫn không ngủ lại được. Trong những khoảng thời gian đó, quá khứ lại hiện về trong óc anh, khiến anh phải day dứt.

Hình ảnh một bà già khô đét hiện lên. Bà ta làm tạp vụ cho một cơ quan cấp bộ. Một nhân sự lao động phổ thông cần cù và thật thà. Đến kỳ nhận lương tháng, bà bỏ cả tháng lương vào cái túi xách và treo ở gi đông xe đạp. Bà định dắt xe ra về thì ông Trưởng phòng hành chính gọi bà lại nhờ việc gì đó. Khi bà quay ra thì cái túi xách đã biến mất. Bà nhìn quanh xem cái túi có rơi ở đâu không. Khi biết chắc là cái túi đã bị đánh cắp rồi thì bà òa khóc. Lương tạp vụ chẳng đáng bao nhiêu, nhưng có thể đó là một bữa ăn thịnh soạn cuối tháng của gia đình bà. Bà chỉ cần đạp xe qua hàng thịt, mua nửa cân thịt ba chỉ, 2 lạng miến và một xấp bánh đa là có thể tổ chức một bữa cơm ấm cúng rồi. Thịt băm ra, miến ngâm mềm thái thành từng đoạn ngắn, trải bánh đa nem xuống mâm, nhón từng tí thịt và miến đặt vào gói lại, cho mỡ vào chảo rán lên, thế là có đĩa nem rán vàng rộm và thơm giòn. Bà đưa thêm cho thằng con trai vài đồng, bảo nó đến quán bia cỏ, mua cho bố cốc bia hơi, thế là bữa cơm cuối ngày vui như Tết. Nhưng bữa cơm ấm cúng đó đã bị Thắng đánh cắp mất. Giờ nhớ lại cảnh này, Thắng phải bật ngồi dậy, châm thuốc hút và tự hỏi: “Bà già ấy giờ còn sống không? Có thể bà ta chết lâu rồi”. Nhưng Thắng còn láng máng nhớ số nhà của bà này. Chiều hôm sau, trên đường đi làm về, Thắng mua một thẻ hương và một túi trái cây, đến nhà nạn nhân của anh năm xưa. Anh hỏi người bán nước ở đầu ngõ thì được biết là bà đã mất lâu rồi. Anh bỏ vào phong bì một số tiền gấp 20 lần lương tháng của một bà tạp vụ bây giờ. Con trai và con dâu của bà ta cũng vừa đi làm về. Hai vợ chồng đèo theo hai đứa nhỏ, chắc là cháu nội của bà già đó. “Xin lỗi anh chị. Tôi trước đây cùng làm một cơ quan với bà nhà ta. Nhưng sau đó tôi đi làm ăn xa. Hôm trước về cơ quan cũ, hỏi mọi người thì được biết bà nhà ta đã mất khá lâu rồi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi xin phép được thắp cho bà một nén nhang”. Chị con dâu lấy đĩa bày trái cây lên bàn thờ để Thắng thắp hương. Anh nhận thấy bàn thờ treo hơi cao mà trần nhà lại làm bằng cót ép. Thắp hương xong, con trai bà cụ pha trà mời Thắng. “Tôi thấy bàn thờ nhà mình treo hơi cao mà trần lại làm bằng cót ép rất dễ gây cháy. Anh nên thay bằng trần thạch cao, trông vừa sáng sủa, vừa an toàn mà cũng mát hơn”. Người con trai nói: “Tôi cũng biết thế, nhưng chưa có tiền”. “Cái phong bì trên ban thờ của bà có thể đủ để anh thay cái trần nhà này đấy. Thôi nhé. Tôi cũng đang vội. Xin phép anh chị, có thể lần sau tôi sẽ quay lại và trò chuyện với anh lâu hơn”. Thắng ra về và thấy lòng nhẹ hơn được một chút.

(Còn nữa)

Khánh Hoàng

Theo giadinh.net

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay