“Cứu một mạng người, bạn là một anh hùng. Cứu một trăm mạng người, bạn mới là một điều dưỡng”

Sáng nay, khi những đòi hỏi phi lý không được đáp ứng, một bệnh nhân nữ, 57 tuổi đã mắng mình rằng: Cái thứ bác sĩ ác độc, đi trực mà bỏ cái tâm ở nhà. Sau đó bà ta giật lấy cuốn sổ, xé toạc rồi bỏ đi.

Nếu cũng lời này, vào vài năm về trước, khi mình còn trẻ thì câu chuyện sẽ khác.

Anh Giang điều dưỡng, người mới vừa bị bệnh nhân A nhậu say, đau dạ dày vào cấp cứu, đá cho một phát: vì chích thuốc làm ông đau, đã vỗ vai mình nói: Bác Trung đừng buồn. Coi như sáng nay anh em mình đi chùa làm phước.

Mình mỉm cười trả lời: Dạ. Em không buồn, nhưng em sợ.

điều dưỡng

Anh Giang nói tiếp: Chúng ta im lặng, không phải vì sợ, nhưng vì chúng ta không muốn ăn thua đủ với những người như vậy. Với lại khi chuyện xảy ra, chẳng ai lên tiếng bảo vệ mình đâu. Chúng ta phải tự bảo vệ mình.

– Không phải em sợ bệnh nhân. Mà em sợ vì những chuyện như vậy, lòng nhiệt huyết với nghề với người của em không còn nữa. Khi trái tim không còn nóng, thì công việc sẽ trở nên tồi tệ lắm. Anh có thấy rất nhiều nhân viên y tế không còn những nụ cười ấm áp thường trực trên môi nữa không?

Chị Châu điều dưỡng nghe mình nói xong liền ngâm nga: Chẳng phải bác Trung hay đọc thơ đó sao : Đã mang lấy nghiệp vào thân. Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa.

Điệu ngâm và vẻ mặt của chị làm cả khoa bật cười.

Mình thầm cám ơn họ. Những người điều dưỡng dễ thương.

Mấy hôm trước mình có nhận được lời mời viết bài về những nỗi niềm của bác sĩ nhân ngày Thầy Thuốc từ mấy anh chị biên tập viên báo chí.

Những nỗi niềm của bác sĩ, thì ngày nào mình cũng viết ở đây rồi. Kể công, kể khổ, kể đủ mọi thứ ….

Và mình thấy trong việc khám chữa bệnh, trong những đêm trực căng thẳng mệt mỏi, trong những cuộc chiến giành lại sự sống, sức khỏe cho bệnh nhân, mọi vinh danh, đền bù bác sĩ là người nhận được đầu tiên và nhiều nhất, còn những người điều dưỡng với sự đóng góp rất lớn nhưng ….

Người ta nói rằng: Phía sau mỗi bác sĩ giỏi, là một điều dưỡng giỏi.

Điều này rất đúng. Mình chưa từng thấy cấp cứu một ca bệnh nào thành công mà thiếu vắng sự trợ giúp đầy chuyên môn từ những người điều dưỡng.

Trong khoa hô hấp với hàng trăm bệnh nhân thở máy, và nhiệm vụ của người điều dưỡng cực kì quan trọng. Họ phải thức suốt đêm hút đàm dãi, theo dõi dấu hiệu sinh tồn qua Monitor, bởi chỉ cần lơ là một chút, phế quản bệnh nhân ứ đọng đàm nhớt, là ngừng thở ngay.

Bạn có thể mỉm cười, đến gần và xoa dịu những nỗi đau của những bệnh nhân mắc bệnh lây nhiễm như HIV, Lao, Viêm Gan Siêu Vi …
Bạn có thể túc trực bên giường, chăm sóc dọn dẹp phân, nước tiểu, dịch ói hôi thối kinh khủng .. mỗi ngày cho những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, ung thư giai đoạn cuối, hay đái tháo đường lở loét vùng mông …


Đó là công việc của những người điều dưỡng.

Thật sự là, mình muốn viết rất nhiều, rất nhiều, nhưng không biết phải bắt đầu như thế nào và sẽ viết ra sao nữa về họ!

Có lẽ câu nói: “Cứu một mạng người, bạn là một anh hùng. Cứu một trăm mạng người, bạn mới là một điều dưỡng”, là câu nói thể hiện trọn vẹn nhất về người điều dưỡng.

Xin cám ơn những người điều dưỡng. Những chiến binh thầm lặng.

Chính vì thầm lặng nên mới gọi là anh hùng.

Chính vì thầm lặng nên mới là linh hồn nhà thương của một nhà thương.

Vô thường

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay