Hãy biết nhìn thật sâu, nghĩ thật kỹ để cảm thông với người
Cảm thông chính là biết đặt mình vào vị trí của người khác, hiểu được cảm xúc và chân thành lắng nghe người đó mà không phải dựa trên sự thương hại, bố thí dành cho họ. Cảm thông, nghĩa là: “Bạn không thể tỏ ra thờ ơ hay ích kỷ được”.
Những khuyên dạy dạng như: đánh người chạy đi không đánh người chạy lại, nhân vô thập toàn, tiên trách kỷ hậu trách nhân.. được ông cha ta từ rất xa xưa gắn kết trong hành xử một cách – như ngôn từ ngày nay- vô cùng nhân văn.Điển hình đáng tự hào về tinh thần ấy có lẽ cần nhắc đến lịch sử khi nghĩa quân Lam Sơn oai hùng đại thắng quân Minh, với “tham mưu” của thiên tài Nguyễn Trãi, lãnh đạo nước Việt khi ấy (Đức Vua Lê Lợi) đã chuẩn phê và thực tế đã thi hành công tác bảo đảm hậu cần và an ninh cho tàn quân Minh về nước trong trật tự, một việc có lẽ không có nhiều trong lịch sử quân sự thế giới.
Người ta có thể xuất phát từ những động cơ khác nhau nhìn đấy với cái nhìn chính trị hóa, coi như chiến thuật, song truyền thống Việt nam nghìn đời “mặc định” vậy, chuộng sức mạnh mềm, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn và luôn luôn thấu hiểu cảnh trạng của người khác kể cả đối phương sinh – tử. Mà xét cho cùng, ai cũng thân phận con người…. Hành động ấy: cấp gạo, sửa đường, làm cầu phao, bố trí an ninh… cho quân Minh về nước họ có lẽ đáng gọi là đỉnh cao của sự cảm thông giữa con người với con người ở tầm vóc lớn có tính quốc gia – dân tộc, vượt qua được lẽ thường tình của thù hận hậu chiến.
Tôi thường xuyên đến viếng một cơ sở tín ngưỡng nọ, thân quen với người trông coi, một cụ ông mảnh khảnh hiền từ. Một cơ sở không nhỏ với rất nhiều phòng khiến cụ ông mệt phờ suốt ngày sao cho hết thảy tươm tất, sạch sẽ. Bao nhiêu là cây xanh cần chăm sóc, sân trước sân sau, phòng khách và gian thờ phượng… Còn bếp núc nữa…. Tất cả đều đẹp, gọn gàng. Tôi tự biết rằng không hề dễ để được như vậy. Nhưng có lần vào phòng riêng ông cụ, một gian phòng rất nhỏ gần như chỉ đủ chỗ cho chiếc giường cá nhân, nhưng..nhện giăng tơ, bụi bám đầy rất chi.. “ấn tượng”. Bị sốc, nhưng về suy nghĩ mãi, hiểu ra: à, người cao tuổi, bao nhiêu việc hơn cả một quản gia chuyên nghiệp, chu toàn thì ….hết sức! Hiểu càng thương cụ nhiều hơn. Đời vậy, thợ rèn thì… không có dao ăn trầu (bổ cau để têm vôi, nói gọn), sức người có hạn, được cái này mất cái kia cũng là lẽ thường.
Có lần tôi được nghe chị bạn kể câu chuyện đáng nghĩ: nhà nọ có cậu con trai thành đạt công tác trong ngành ngân hàng xe đưa xe rước, com – lê chỉn chu oai phong đạo mạo, nhưng… cứ về nhà thì cáu gắt, bùng nổ khiến ai nấy ngạc nhiên. Rồi người ta hiểu ra: áp lực công việc ghê quá khiến người trai trẻ ấy gồng mình lên mà gánh vác trong sự tươi tỉnh chuyên nghiệp, song về nhà mới vỡ… Con người ai cũng vậy thôi. Nhưng nếu nhìn cạn, nghĩ nông sẽ thiếu sự cảm thông chia sẻ, và tôi cũng từng như thế.
Muôn sự ở đời, trừ những trường hợp đặc biệt không chiếm số nhiều, đa phần người với người có thể dĩ hòa vi quý thông cảm sẻ chia với nhau nếu nhìn sâu nghĩ kỹ.
Cuộc sống công nghiệp, đô thị hóa, thị trường hóa khiến nhịp điệu vận động mọi thứ nhanh dần, cường độ công việc tăng, và có ai đó từng kêu lên: sống chậm lại đi, nghĩ và yêu thương nhiều hơn! Có lẽ đấy là khẩu hiệu hay.
Bạn ơi, hãy cùng tôi nhìn dâu nghĩ kỹ và cảm thông với người, với đời, bạn nhé!
Nguồn: daophatngaynay.com