Ta quên không “cảm ơn”, để rồi ta quên bao điều tốt đẹp đã nhận được từ cuộc sống!
(Nhân mùa tháng bảy…)
Ta thường nhớ nhiều về hai chuyện: mình đã cho ai cái gì và người ta đã làm gì cho mình buồn. Ta thường khi quên mất chuyện người ta làm mình vui. Người ta nói rằng tình yêu là trí nhớ của trái tim nhưng lòng tri ân là trí nhớ của óc. Thế giới sẽ khá hơn rất nhiều nếu nhân loại có thêm lòng tri ân.
Lòng tri ân không phải là bài học đạo đức cá nhân mà nó chính là vận mệnh của thế giới. Nhờ ai mà đường sá này sạch như vậy? Vì đâu mà xã hội không có tệ nạn? Vì đâu mà những gì thuộc về công cộng tốt đẹp như vậy? Trước hết chúng ta phải cảm kích người nào đưa ra những chính sách xã hội để hỗ trợ những điều đó. Thứ hai là phải cảm kích từng người trong đất nước đó, nếu họ xả rác, nếu họ trộm cắp thì đất nước này không được như vậy. Chúng ta đền đáp bằng cách làm như họ, không xả rác, không đập phá cạy gỡ của công cộng. Người ta sống có ý thức vệ sinh môi trường thì mình cũng phải sống có ý thức vệ sinh môi trường. Đó là lòng tri ân.
Có rất nhiều người thân trong một gia đình cứ nghĩ chuyện tốt đẹp người kia làm cho mình là chuyện đương nhiên, thế là không cần cảm kích. Buổi sáng trời lạnh thế này trong khi mình còn đang trùm mền ngủ, vậy mà mẹ mình, chị mình, vợ mình, phải tung mền thức dậy nấu cho mình ăn, dọn dẹp nhà cửa, làm nhẹ tay sợ mình giựt mình. Khi nắng lên họ mới nhẹ nhàng kêu mình dậy ăn sáng. Nếu nghĩ đây là trách nhiệm họ phải làm, mình không cần cảm kích, vậy là quá tệ.
Bên Tây, khi chia tay nhau rồi, họ vẫn còn là bạn, vì bên cạnh tình yêu, bên cạnh sự thiết thân, họ vẫn dành cho nhau một góc rất là khách sáo, đó là họ biết cảm kích nhau từng chuyện rất nhỏ. Họ cảm ơn nhau liên tục và liền miệng, chúng ta cứ nghĩ họ xạo nhưng đó là họ cảm kích thiệt. Còn người châu Á mình thì sao? Cứ nghĩ là chuyện vợ lo cho chồng là đương nhiên, chồng lo cho vợ là đương nhiên. Người ta mấy chục năm nấu ăn cho mình mà chớ hề khen lấy một lời, “dù chỉ một lời chẳng đáng chi”. Khen bữa ăn có đáng gì đâu mà không khen. Đó là điểm khiếm khuyết trong văn hóa sống.
Phải biết cảm kích tại sao lẽ ra người ta không làm chuyện đó mà người ta lại làm cho mình. Một bình hoa bên cửa sổ, vài phút lau sàn nhà cho sạch, kéo rèm cho nắng vào nhà, một bữa ăn sáng nhẹ nhàng, tất cả đều là nghĩa cử đáng được cảm ơn. Chính vì thế mai này bạn bè xa nhau vẫn còn thương nhau, vợ chồng li dị vẫn còn quí nhau, vì ngoài chuyện tan vỡ hôn phối ta vẫn còn giá trị văn hóa đọng lại trong lòng đôi bên.
(Trích bài giảng kinh tạng lớp #Vietheravada,Sư Toại Khanh giảng, Nhị Tường ghi chép)