Tăng Quốc Phiên – Một bậc đại trí có tư chất của kẻ đại ngốc.
Trong xã hội ngày nay, người ta thường nghĩ nếu có tài năng thì phải tìm cách thi triển với xã hội để lấy thanh thế với đời và cũng để dễ bề tìm cầu một con đường tiến thân thuận lợi. Vậy nhưng, cổ nhân đâu nghĩ vậy. Người trí thời xưa lại cho rằng đối đãi với đời nên dùng cách “giả ngốc” mới là toàn vẹn. Nghe thì cũng lạ nhưng câu chuyện về cuộc đời sóng gió lẫy lừng của Tăng Quốc Phiên, một đại quan danh tiếng trong triều đình nhà Thanh sẽ cho bạn một góc nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về đạo lý ấy.
Câu chuyện cười có thật mà như đùa về kẻ đần độn Tăng Quốc Phiên.
Thời nhà Thanh, ở Trung Quốc có lưu truyền câu chuyện cười lịch sử thật mà như đùa. Chuyện kể rằng, Tăng Quốc Phiên đang đêm ngồi đọc sách, ông cứ đọc đi đọc lại một đoạn văn ngắn mà mãi vẫn không thuộc. Không may, có một kẻ gian muốn đến ăn trộm nhà ông hôm đó nhưng hắn không thể vào được vì trời đã khuya mà đợi mãi vẫn thấy Tăng Quốc Phiên chong đèn học đoạn văn ngắn ngủn kia, không chịu đi ngủ.
Cuối cùng, không kiên trì được với tình thế dở khóc dở cười này, tên trộm liền nhảy ra và quát vào mặt Tăng Quốc Phiên: “Đầu óc đần độn như ngươi thì đọc sách gì kia chứ”.
Thực tế thì câu chuyện cười này cũng có lý do của nó. Bẩm sinh thì tư chất của dòng họ Tăng vốn không thông minh lắm. Cha của Tăng Quốc Phiên là Tăng Lân Thư thi 17 lần mới may mắn đậu tú tài ở tuổi 43.
Vậy đầu óc Tăng Quốc Phiên thực sự đần độn đến thế sao?
Kỳ thực Tăng Quốc Phiên là một người giỏi, là vị quan đại tài của triều đình nhà Thanh trong thời bấy giờ. Ông là một chuyên gia về quân sự, một nhà chiến lược cao thâm. Năm 1851, nghĩa quân Thái Bình Thiên Quốc nổi dậy, nhà Thanh suy yếu, bó tay không tìm ra phương sách để dẹp loạn. Quân Thái Bình Thiên Quốc đã chiếm trọn cả một vùng phía nam Trường Giang chỉ trong vòng có nửa năm. Tiếp đó lại chiếm luôn Nam Kinh, xây dựng kinh đô và xưng hiệu Thiên Quốc.
Năm 1853, trong tình thế nguy cấp, Tăng Quốc Phiên đã tự thành lập đội quân làng Tương Hương (làng quê nhà của Tăng Quốc Phiên – gọi là đội Tương Quân) và vâng mệnh của Hoàng đế đi dẹp loạn Thái Bình Thiên Quốc. Đội quân làng Tương Hương sau này đã trở thành chủ binh, giữ vai trò chủ lực giúp nhà Thanh bình định quân Thái Bình.
Lúc bấy giờ từ Hoàng đế đến quan binh đại thần của triều đình đều tuyệt vọng. Quân Thanh như rắn cụt đầu, không còn ai có thể đưa ra được nổi một đối sách nào khả thi.
Đang trong tình thế ấy thì Tăng Quốc Phiên đã đề xuất một kế sách để dẹp yên quân Thái Bình, gọi là chiến lược “Từ trên đánh xuống với khí thế như vũ bão”. Ông muốn giành lại Vũ Xương, sau đó khống chế vùng trung du sông Trường Giang, kế đến nhắm về Cửu Giang, An Khánh, cuối cùng thì đánh vào Nam Kinh (Thiên Kinh của Thái Bình Thiên Quốc).
Với chiến lược lợi hại này. Năm 1864, Tương quân đã vây hãm Thiên Kinh của Thái Bình Thiên Quốc, sau nhiều trận đánh gian khổ, cuối cùng quân của Tăng Quốc Phiên đã hạ được thành và chính thức tiêu diệt toàn bộ quân Thái Bình Thiên Quốc. Tăng Quốc Phiên sau đó đã trở thành bậc công thần hưng quốc, được thăng chức và phong thưởng rất hậu hĩnh.
Từ chối quyền lực, xa rời danh lợi ở đỉnh vinh quang
Xưa nay trong thiên hạ những bậc công thần am tường thế sự, biết tiến, biết lui như Tăng Quốc Phiên quả không nhiều. Sau khi dẹp loạn quân Thái Bình, con đường danh vọng của ông cứ là như diều gặp gió. Ấy nhưng, không vì thế mà ông trở nên đắm chấp và ngủ quên trên đỉnh vinh quang, ngược lại ông rất bình thản. Ông đã sớm dự liệu những cạm bẫy hiểm nguy của vòng danh lợi mà kiên quyết dâng sớ xin được từ chối chức vị nắm quyền thống lĩnh bốn tỉnh. Ông cũng cương quyết bãi bỏ đội Tương Quân, vốn là lực lượng nền tảng làm nên thành công và quyền lực của mình.
Cả đời người của Tăng Quốc Phiên chính là “ra trận làm tướng soái, vào triều làm tể tướng”. Ở nơi chính trường, những chính khách vừa thành công và lại vừa biết giữ mình như ông thì thật sự chẳng có nhiều. Tăng Quốc Phiên tinh thông mưu lược cả ở sa trường lẫn quan trường, có bản lĩnh của bậc trượng phu, giỏi cầm quân mà cũng giỏi hoá giải những vấn đề hóc búa một cách tài tình.
Trong nhật ký của Triệu Liệt Văn, thư lại của Tăng Quốc Phiên, có ghi một chi tiết như sau:
Trong cuộc chiến với quân Thái Bình, giữa lúc Tăng Quốc Thuyên (em trai Quốc Phiên) chưa có cách gì đánh được vào Nam Kinh, triều đình liền lệnh cho Lý Hồng Chương đến để yểm trợ tấn công.
Lý Hồng Chương vốn là kẻ đa mưu, vừa không muốn giành công đầu của anh em họ Tăng để lấy lòng, vừa muốn đẩy trách nhiệm kháng chỉ cho họ Tăng nên người này đã tung tin giải thích khắp nơi để giương đông kích tây.
Tăng Quốc Phiên biết chuyện liền lập tức gửi về kinh một bản tấu với lời lẽ hết mực khiêm nhường và kiên quyết mời họ Lý ra đối chất, không mong có công chỉ mong không để xảy ra hiểu lầm, lời lẽ chân thành và tha thiết, rất mực an nhiên điềm tĩnh.
Hành động đơn giản của họ Tăng đã lật tẩy được âm mưu của Lý Hồng Chương. Triệu Liệt Văn đánh giá rằng biện pháp này của Tăng Quốc Phiên là chân thật, rõ ràng, mà lại cao minh hơn họ Lý bội phần.
Chỉ riêng điều này đã cho thấy sự tinh anh của họ Tăng đã đạt đến mức cao thâm mà người thường khó bì kịp. Chính sự “ngốc nghếch” xuất chúng này đã làm ra một Tăng Quốc Phiên tinh anh, sáng suốt và cao minh xuất sắc.
Chính tư tưởng của Tăng Quốc Phiên cũng rất độc đáo, đó là sùng bái sự ngốc nghếch. Ông từng nói: “Kẻ ngốc nghếch nhất thiên hạ có thể thắng người thông minh nhất thiên hạ”.
Trong cuộc đời Tăng Quốc Phiên, điều làm ông có thể thông hiểu về khoa cử là đều dựa vào “sức mạnh của sự ngốc nghếch”. Cha ông yêu cầu ông nếu không hiểu câu trước thì đừng đọc đến câu sau, chưa đọc xong cuốn sách này thì đừng sờ tới cuốn sách khác, không học xong bài trong ngày thì không được đi ngủ.
Tăng Quốc Phiên chẳng hiểu “kỹ xảo”, chẳng am tường những lối tư duy ngoắt nghéo mà chỉ biết một con đường đi thẳng. Theo ông, tiến thẳng vào đường hầm đen hun hút, chỉ cần không va vào tường thì quyết tiến đến cùng. Chính phương thức học tập “ngốc nghếch” này đã vun bồi nên môt tinh thần nỗ lực, kham nhẫn, thiết thực ở con người Tăng Quốc Phiên.
Triết lý nhân sinh của sự ‘ngốc nghếch’
Sự kham nhẫn, nỗ lực trong học tập đã mang lại những kinh nghiệm quý báu cho Tăng Quốc Phiên. Ông nghiệm ra rằng ngốc nghếch có cái đặc biệt của ngốc nghếch. Người ngốc nghếch không có tư chất thông minh, do đó sẽ khiêm tốn hơn người khác. Ngời ngốc nghếch từ tấm bé học hành đã gặp nhiều khó khăn vất vả, nhờ vậy mà hình thành lên được một năng lực kháng lại những trắc trở khó khăn trong cuộc sống vô cùng mãnh liệt.
Kẻ ngốc cũng không biết vận dụng những kỹ năng xảo lược, gặp vấn đề thì chỉ biết một con đường là xông thẳng vào mà giải quyết một cách chân thật nên không để lại những hậu quả nguy hại cho chính mình. Ngược lại, những người thông minh, khôn vặt, mỗi khi gặp khó khăn thường không muốn bỏ sức và nỗ lực để khắc phục vấn đề nên họ thường đi đường vòng. Mọi việc họ giải quyết dễ lỏng lẻo không triệt để. Cho nên ngốc nghếch tuy có vẻ chậm chạp nhưng thực chất lại là nhanh nhất. Bởi vì đó là con đường đi đến thành công chắc chắn, không để lại hậu quả về sau.
Thực tế thì Tăng Quốc Phiên đã phải mất 9 năm mới thi đậu tú tài, nhưng sau khi đỗ đạt, con đường phía trước của ông đã ngày càng rộng mở. Vừa đậu tú tài năm trước thì năm sau ông đã trúng cử nhân, và bốn năm sau đó ông lại thi đỗ Tiến sỹ cao trung. Trong khi những người bạn đồng môn của ông mặc dù đỗ đạt rất sớm nhưng sau này chẳng ai đậu đến cử nhân.
Trong cuộc đời Tăng Quốc Phiên, nhiều lần ông đã nói rằng mình có thể am tường nhiều thế sự để đi đến thành công được là nhờ ông đã có một cuộc sống bôn ba, vất vả, trải qua nhiều sóng gió ba đào. Tăng Quốc Phiên từng nói: “Đọc sách lập chí, phải bỏ công nỗ lực, khắc khổ”, và quả thực đến ngày nay đó vẫn là công thức thành công chung cho nhiều người.
Đánh trận trên sa trường cũng dựa vào triết lý “ngốc nghếch”, không cần kỳ mưu dị kế mà vẫn đánh đâu chắc đó.
Trong cuộc đời chinh chiến của mình Tăng Quốc Phiên đánh trận cũng dựa trên tinh thần “ngốc nghếch” này. Cả đời ông giỏi đánh những trận chiến ngốc nghếch. thậm chí là xuẩn ngốc. Ông không giỏi dùng những kỹ năng xảo lược trong chiến trận. Khi tham chiến Tăng Quốc Phiên không tham cái lợi nhỏ, không cầu kỳ mưu dị kế, mà chọn cách thận trọng, chắc chắn và thiết thực nhất.
Ông nói: “Đánh nhau phải đánh được chữ Ổn”. Cả nghiệp dùng binh của ông là dựa vào sự chắc chắn, mực thước, ông không bao giờ tham chiến mà không chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông cũng đặt hết tâm vào để nghiên cứu tình hình giữa hai phía địch, ta. Từ cách bố trí dàn trận, cho đến việc tiếp ứng hậu cần, hay khi nảy sinh tình hình bất lợi thì phải ứng cứu như thế nào,.. . Chỉ sau khi mọi mắt xích đã được tính toán kỹ càng xong xuôi, ông mới hạ quyết tâm để đánh trận.
Đối đãi với thế nhân lấy chân thật làm gốc, lấy “ngốc nghếch” làm nền
Khi đối xử với thế nhân, ông luôn để người khách chiếm lợi mà không muốn đoạt lợi cho riêng mình. Kể cả khi người khác dùng thủ đoạn lừa gạt, ông vẫn dùng sự chân thành, sự ngốc nghếch để đối đãi lại với họ. Tăng Quốc Phiên nói được là làm được.
Tả Tông Đường – một vị quan dưới quyền Tăng Quốc Phiên và cũng có chút thành công trên đường công danh nhưng vì lòng đố kỵ mà cả đời không chịu phục Tăng Quốc Phiên. Ban đầu y châm biếm, đả kích ông, cuối cùng lại lấy oán báo ân. Vậy mà Tăng Quốc Phiên vẫn không hề chấp nhất với ông ta.
Lý Hồng Chương là một đệ tử của ông tuy có tài nhưng trong lòng nhỏ nhen nên hay giở trò khôn vặt. Tăng Quốc Phiên vì mến cái tài của họ Lý mà không hề thay lòng đổi dạ, vẫn luôn bao dung, cất nhắc Lý Hồng Chương. Hồng Chương vì thế mà cả đời cảm kích ông tới rơi lệ. Những năm cuối đời mình hễ mở miệng là ông lại nhắc tới ba chữ “Sư phụ tôi”.
Nhờ cách đối nhân xử thế chân thật của Tăng Quốc Phiên mà cả đời ông có nhiều bạn bè tốt, mưu sĩ dưới trướng thì nhiều vô kể trong đó mãnh tướng cũng rất nhiều. Vì vậy ông mới có thể cầm quân, chỉ huy như ý, chiến thắng quân của Thái Bình Thiên Quốc.
Tư chất không thông minh chỉ có dựa vào học vấn và sự cần cù để tìm cầu sự sáng suốt
Cả cuộc đời mình, Tăng Quốc Phiên đã vượt trải muôn vàn gian khó. Ông phải giải quyết rất nhiều vấn đề đại sự nhưng những quyết sách của ông thì đều uyển chuyển và hợp lý. Điều hơn người của ông chính là không sợ mệt nhọc, hao tâm, tổn sức. Với mỗi sự việc, ông luôn phân tích một cách sâu sắc, không bỏ sót điều gì. Dựa trên những phân tích tỉ mỉ sâu sắc đó, ông tìm ra lợi hại, nắm được phần then chốt của sự việc. Sau mỗi lần giải quyết xong vấn đề, ông còn tổng kết ra kinh nghiệm và bài học để tham khảo cho lần sau.
Sự tinh anh, sáng suốt của Tăng Quốc Phiên được hun đúc trên nền tảng ngốc nghếch như vậy. Ông đã vắt kiệt trí óc, dốc hết tâm lực vào đó. Quả thật, “ngốc” đến tột cùng thì chính là “thông minh” tột đỉnh vậy.
Không dùng xảo thuật để lừa gạt, không ăn miếng trả miếng và chấp nhất ngay với kẻ muốn hại mình, ngược lại còn chân thành và bao dung. Đối với quan niệm của người đời thì có lẽ nhưng vậy là quá ngốc nghếch. Tuy nhiên sự khờ khạo, ngốc nghếch đó lại tạo nên một Tăng Quốc Phiên lẫy lừng trong lịch sử, được người đời tán thán..
Vậy mới hay:
Đôi khi: Thông minh lại thành thông minh “dại”.
Ngốc nghếch lại hóa ngốc nghếch “khôn”.
Theo ĐKN