Trà cổ thụ Tà Xùa đã được làm như thế nào?
Trà Tà Xùa, một thức trà cổ thụ đang rất được ưa chuộng. Trà Tà Xùa mới được biết đến cách đây chưa đến mười năm. Gần mười năm trước, không ai biết trà cổ thụ Tà Xùa là gì. Mọi người chỉ quen với trà Thái Nguyên, trà Phú Thọ và các loại trà ngon nức tiếng nhập khẩu. Cùng chẳng hiểu duyên cớ gì. Mà có những người yêu trà, long đong trên mọi miền tổ quốc, chỉ để tìm trà.
Họ cứ đi miệt mài trên những cung đường. Hỏi thăm, tìm hiểu… Lang thang những tháng ngày miên viễn với trà. Cuối cùng, họ dừng chân trên mảnh đất Tà Xùa. Có duyên đặc biệt với một gia đình người bản địa. Từ đó, người ta mới biết đến trà Tà Xùa. Thức trà được đánh giá là ngon không kém những loại trà nhập ngoại. Trà có bản sắc Việt Nam, hương vị núi rừng Việt Nam. Vị thanh ngọt, hậu vị sâu đậm khó quên, như người Việt Nam vậy.
Theo chân những người đi làm trà. Mới thấy, đằng sau những búp trà tươi ngon là cả câu chuyện dài, rất dài. Chuyện từ những ngày khởi đầu khó khăn ra sao. Đến ngày thành công lại khó khăn hơn thế nào. Chuyện người và người làm trà ra sao. Chuyện của người và cây trà. Chuyện của những cây trà đã mấy trăm năm tuổi đang đứng trước điều gì. Thế mới thấu, chuyện nhân sinh chìm nổi, chưa bao giờ là dễ dàng.
Trà Tà Xùa đang được chế biến ở dạng lục trà. Thức trà sau khi hái cần chế biến ngay, không sẽ làm hỏng hương vị. Chính vì vậy, người làm trà, gần như phải chạy đua với thời gian. Trà được làm theo công thức truyền thồng của lục trà. Gồm các công đoạn: diệt men, vò, sấy khô.
Nghe thì rất đơn giản. Nhưng để bắt tay vào làm, mới thấy, người làm trà, người ta xưng tụng là nghệ nhân cũng không phải chuyện vừa. Một tay ngang nhảy vào làm, sẽ chỉ ra thức “lá rau sấy khô”, chứ không thể ra trà. Để làm được trà, bạn cần có một số tố chất đặc biệt. Chứ không phải cứ làm theo công thức là ra. Tố chất đặc biệt ấy, lại cần đi qua thời gian mà hình thành kinh nghiệm, hình thành kiến thức. Đặc biệt, người làm trà ngon, cần là người biết thưởng trà đầu tiên. Họ mới thấu hiểu sâu sắc về trà mà biết chế biến sao cho phù hợp.
Vậy nên mới nói, cùng là sản phẩm, có người chỉ bán mấy trăm ngàn. Có người bán cả mấy triệu cũng không có mà bán. Bởi có những sản phẩm, được làm từ tâm huyết, từ trí tuệ thực sự. Nhưng cũng có những sản phẩm, hình dáng thì giống, mà uống chẳng ra sao.
Trà có cái hay là vậy. Không như những cái khác. Bắt chước giống y chang là có thể làm ra sản phẩm y chang mà bán. Trà mang tính cá nhân rất cao. Bởi vậy mà mỗi nghệ nhân làm trà là một tuyệt tác độc nhất vô nhị. Dù có truyền cho truyền nhân cũng chỉ mang hơi hướng giống. Chứ không còn vị trà như năm nào.
Câu chuyện làm trà, bắt nguồn từ những búp trà trên cây. Một câu chuyện rất cầu kỳ và mỹ lệ. Những búp trà non xanh mướt, cần hái đúng cách, mới đảm bảo lá trà không bị dập và cho thức trà ngon nhất. Hái xong cần bảo quản vận chuyển ra sao để đến nơi làm. Rồi làm trà cần đúng thời gian như nào, đúng nhiệt độ lửa ra sao. Sai một bước là mất nguyên cả mẻ trà chứ không phải chuyện đùa. Khi vò trà cần lực như nào là vừa. Mạnh quá cũng không được. Nhẹ quá cũng không được. Rồi sao khô cho vừa đủ. Không được có, dù chỉ một chữ quá ở bất cứ công đoạn nào.
Có làm trà mới thấy. Phải yêu trà đến thế nào. Mới có thể theo trà đến quên ăn quên ngủ như vậy. Khi làm trà, trà sẽ là ưu tiên số một. Không phải con người. Chẳng vậy mà người làm trà, người pha trà. Hay tự nhận mình là trà nô. Họ khiêm nhường với trà. Dành lại cho thế giới, chỉ là phần đơn giản nhất. Nâng chén lên và thưởng thức.
Chẳng vậy, Chay Mộc quý đến từng cọng trà. Bởi đã thấu hiểu, người làm trà yêu chúng như con vậy. Một sản phẩm mang cả tâm huyết như thế. Thực lòng không muốn bán cho người không hiểu nó. Có gặp tri âm mới giao. Có gặp người thấu hiểu mới nhận. Làm trà cũng giống như làm người vậy. Mình hiểu giá trị của mình. Cũng chẳng nên đôi co hay thể hiện làm gì. Cứ bình lặng sống lại là bình an.
Chay Mộc