Về thăm rừng trà Shan Tuyết cổ thụ trên đỉnh Phình Hồ
Trà Shan Tuyết có lẽ không còn quá xa lạ với mọi người. Những người đã được thưởng thức hương vị của trà Shan Tuyết sẽ thấy ngay cái vị khác biệt. Khác biệt với tất cả những loại trà đã được uống trước đó.
Những búp trà trắng muốt được bao phủ bởi lớp lông trắng mịn. Vậy nên mới có tên gọi Shan Tuyết.
Trà Shan Tuyết vốn là một loại trà cổ thụ mọc trên núi. Nổi tiếng nhất thì có trà Shan Tuyết Tà Xùa, trà Shan Tuyết Suối Giàng và trà Shan Tuyết Phình Hồ mới nổi.
Cũng thật lạ kì, cùng là trà Shan Tuyết, cùng mọc trên núi cao. Nhưng vị trà của mỗi nơi một khác. Không nơi nào giống nơi nào.
Chay Mộc đi thăm Phình Hồ vào một ngày đầu hạ mưa nhiều.
Xe loanh quanh trên những con dốc hun hút gió. Toàn mây là mây sà vào mặt.
Có lên đến đây, mới thấy con người sao thật nhỏ bé. Và thiên nhiên, vốn đẹp sẵn từ bao giờ. Chỉ là người chưa một lần dừng lại mà nhìn ngắm, mà thưởng thức món quà vô giá mà vũ trụ đang biểu hiện từng ngày.
Những con dốc quanh co, đôi khi dựng đứng. Hai bên đường loáng thoáng lại có vài bản của người dân tộc bản địa mà Chay Mộc quên cả hỏi tên. Họ sống trên núi, cách biệt với cuộc sống ồn ào dưới phố chợ. Thanh bình mà ngủ vùi trong mây.
Xe chạy mãi mà vẫn còn quanh co trên con đường núi càng đi càng nhỏ. Hai bên đường cỏ mây lau sậy bắt đầu che kín lối. Mưa bắt đầu rơi. Chay Mộc không khỏi hơi chạnh lòng. Mưa vậy sao đi xem được nhiều…
Cuối cùng cũng lên đến đỉnh Phình Hồ. Cả đội bước xuống xe và ai cũng có một cái ô trên đầu. Cũng hay, mưa có cái mát mẻ của mưa. Cũng không đến nỗi…
Đi thăm rừng trà cổ thụ vào một ngày mưa. Tầm nhìn không quá 10 mét. Cả mặt đất và bầu trời đều như nằm gọn trong lòng một đám mây vậy. Mây đặc kín, len lỏi trong từng khoảng không.
Mưa rừng mát lạnh. Tầm tã. Cả một đồi trà cổ thụ lặng yên trong mưa.
Người, cũng không có quá nhiều điều để nói. Mọi người còn đang mải mê, ấn tượng với những gốc cây sừng sững. Thân nào thân nấy trắng mốc những mảng địa y, rêu phủ kín cành.
Cả một đỉnh núi, đâu cũng là trà. Có những cây đã vài trăm năm tuổi. Nhưng cũng có những cây mới mọc, chắc mới được vài ba năm tuổi. Đang háo hức vươn cành nảy lộc chờ nắng mới.
Cả một rừng trà tự nhiên đi mãi chưa thấy hết. Cây lớn cây bé nương nhau mà tồn tại. Những đóa hoa trà trắng muốt tinh khôi trong mưa chiều.
Do thời tiết xấu nên chỉ thăm được có vậy. Mọi người lên xe, và bản gần nhất, vào thăm một nhà dân làm trà trong bản.
Một căn nhà rộng rãi, có đến 4-5 lò quay trà. Chị kể nhiều về trà, về đặc tính trà nơi đây. và mời chúng tôi loại trà đặc sản chị làm. Trà Phình Hồ có cái đặc chát đặc trưng, có lẽ do công nghệ sản xuất. Và cũng có lẽ do cả giống trà. Cùng là trà Shan Tuyết, mà hương vị thật khác. Chay Mộc vốn không quen uống những ấm trà đặc chát. Nên chỉ uống cho biết, rồi ra ngắm những gốc trà chìm trong mưa.
Những cây trà xanh thẳm đứng ìm lìm trên đỉnh heo hút. Cây trầm mặc sống, bình thản tặng đời những búp trà thơm. Chỉ hy vọng, con người, đừng vì lòng tham của mình mà tận diệt đất mẹ. Để con cháu chúng ta, còn đươc thưởng thức, vị trà Shan Tuyết cổ thụ trăm năm.
Trà Phình Hồ có lẽ không phải là điều Chay Mộc muốn tìm. Đúng là cùng là trà cổ thụ, cùng mọc trên núi cao. Mà trà Phình Hồ chát đậm. Trà Suối Giàng chát vừa. Trà Tà Xùa vị chát lại chỉ nhẹ dịu. Hậu vị thì ngọt như mật.
Chuyến thăm này, tuy không tìm ra được loại trà vừa ý. Nhưng cũng là một chuyến đi đầy ý nghĩa. Khi Chay Mộc biết người dân trên bản cao, đã biết giá trị của cây chè, và cũng đã biết bảo vệ cây chè, bảo vệ đất mẹ.
Trên suốt chuyến đi, trong cả một rừng chè cổ thụ. Không có một bóng túi ni long hay rác nào. Mọi người, không chỉ thu hái. Mà đã biết trồng thêm rừng trà mới. Biết bảo vệ nước đầu nguồn. Biết rằng trà sạch mới bán được. Người dân, vẫn hiền hòa sống cùng cây chè. Cuộc sống như vậy, mới được lâu bền. Mới có cái gì để lại cho con cháu đời sau.
Xe đi về, mà vẫn như đi trên mây. Xa xa phía cửa kính xe, là cả một biển mây bồng bềnh dưới thung lũng. Một câu chuyện đẹp, về những búp trà xanh…
Chay Mộc