Những thói quen uống trà của người Việt Nam, bạn đã biết chưa?

Trà, vốn đã tồn tại mấy nghìn năm. Và uống trà, đã trở thành văn hóa của mỗi quốc gia. Trên thế giới, trà là thức uống phổ biến thứ hai, chỉ đứng sau cà phê.
Trà xuất phát từ đâu? Có nhiều người cho rằng đó là từ Trung Quốc. Trà, được biết đến là thức uống phổ biến ở Trung Quốc rồi mới lan ra toàn thế giới. Nhiều người cho rằng, cây trà đầu tiên phải là ở Việt Nam và vùng Nam Á giáp Trung Quốc. Được truyền vào Trung Quốc từ những buổi đầu sơ khai. Được người Trung Quốc phát triển thành mỹ thực và phổ biến trên thế giới như hiện nay.
Về xuất xứ của trà, các loại trà, văn hóa lịch sử của trà thì vô vàn nhiều. Chay Mộc không có thông hiểu quả nhiều.
Chay Mộc đến với trà, vốn bởi tò mò. Rồi quay qua yêu trà và cách thưởng trà mới. Rồi từ đó, tìm được rất nhiều điều từ trà và muốn chia sẻ với mọi người.
Chưa nói đến văn hóa uống trà trên thế giới. Trà trong văn hóa Việt Nam vốn rất gần gũi và hầu như ai cũng biết. Người Việt mình thưởng trà rất đơn giản. Có hai cách pha chế trà chủ yếu là pha trà tươi và pha trà xanh.

Cách uống trà mới Chay Mộc

Trà tươi thì có lẽ ai cũng đã được nghe qua, ít nhất một lần.
Cách pha trà tươi rất đơn giản. Bạn chỉ cần một nắm lá trà tươi đã rửa sạch, pha vào cái ấm tích bằng nước nóng già. Có thể thêm mấy lát gừng hoặc không. Vậy là bạn đã có ấm trà tươi thanh mát giải khát quanh năm. Bây giờ, để đẹp và ngon mắt hơn thì người ta chỉ hãm trà tươi khoảng 10 phút rồi vớt hết lá trà ra. Bỏ vô tủ lạnh. Vậy là có ấm trà tươi thanh nhiệt cho mùa hè nóng bức.
Trà xanh thì có lẽ là danh từ ít người hiểu được đúng nghĩa của nó. Vốn trà xanh, có ý nghĩa là những búp trà tươi được sao sấy khô luôn. Trà còn “sống” và xanh mướt. Khác với các loại trà được ô xi hóa một nửa hoặc hoàn toàn khác là trà ô long hay hồng trà.

Trà, nhóm người không nên uống trà

Nhưng, cụm từ trà mạn, trà Thái Nguyên hay trà bắc đã dần thay thế cho từ trà xanh. Khiến trà xanh lại dễ bị hiểu nhầm là trà tươi.
Dân gian mình vẫn uống trà và tiêu thụ trà rất mạnh. Nhưng thường ở lứa tuổi các cụ và trung niên. Với những người lớn tuổi, trà gần như là một thứ không thể thiếu để tiếp đãi khách đến nhà. Và trà họ dùng, chủ yếu là trà gắn mác “Thái Nguyên Tân Cương”. Nhưng thực tế là trà Thái Nguyên và trà từ khắp nơi đổ về Thái Nguyên rồi lại từ Thái Nguyên đi khắp cả nước.
Trà này hay được gọi là trà mạn. Thực ra, trà mạn là một thứ trà nổi tiếng của Việt Nam ngày xưa nhưng nay đã thất truyền. Không còn ai biết trà mạn nổi danh trong lịch sử được làm như thế nào và có vị ra sao.

Các cụ ta pha trà bằng nước sôi. Cho trà vào ấm, chế nước sối. Rồi rót ra chén và uống. Trà pha kiểu này thường bị nước màu đỏ, vị đắng chát do pha bằng nước nóng và trà bị ngâm lâu trong nước nóng.

Cách pha này khiến trà trở thành thứ khó uống, giới trẻ không còn thiết tha với kiểu pha này. Cho nó là một thứ cổ hủ.

Người sành hơn thì pha trà ô long, và các loại trà phẩm cấp cao của Trung Quốc. Những người này là dân chuyên thưởng trà. Đi tìm sự cầu kỳ và cách pha của người Trung Hoa. Thưởng trà như vậy rất tốn công phu và tiền của nên cũng không được nhiều người biết đến và phổ biến rộng rãi.
Đó là điểm sơ qua vài cách thưởng trà phổ biến mà Chay Mộc được biết.
Nhưng có một cách thưởng trà khác. Thanh hơn, nhẹ hơn mà cũng không quá cầu kỳ. Có thể đến với mọi người và mọi nhà một cách gần gũi. Tuy nhiên, cách thưởng trà này với những người quen uống trà đặc chát thì lại cho là nhạt thếch và không có vị.

Cách uống trà mới Chay Mộc

 

Âu, cũng là do cảm quan của mỗi người. Chay Mộc chỉ muốn giới thiệu cho mọi người cùng biết và trao đổi những cách thưởng trà khác nhau. Chứ không có ý định so sánh và lý luận tốt hay xấu ở đây.
Cách thưởng trà này thực ra cũng không phải là mới. Nhưng nhiều người lại chưa biết đến. Nên vẫn muốn chia sẻ với bà con một chút xíu.
Điểm quan trọng của cách thưởng trà này nằm ở hai tiêu chí:

  • Nhiệt độ nước.
  • Thời gian ngâm trà trong nước nóng.

Trà pha theo cách này chỉ sử dụng nước ở khoảng 80-85 độ C. Nước, phải là nước đun sôi rồi để nguội bớt.
Thứ hai, thời gian ngâm trà chỉ khoảng 10 giây. Lâu hơn xíu thì 15-20 giây.

Để đảm bảo được hai tiêu chí này. Một dụng cụ pha trà không thể thiếu là chiếc tống. Tống, thực ra là cái chén to hơn các chén quân để uống trà. Bạn không cần quá cầu kỳ với việc mua một chiếc tống. Mà chỉ cần 1 chiếc cốc to hơn các cốc khác, bằng thủy tinh càng tốt vì qua đó bạn nhìn thấy được màu nước trà. Từ màu nước trà là có thể nhận ra vị bạn pha và trà đã “cháy” hay chưa.

Cách pha trà Chay Mộc yêu thích là đun nước sôi. Đổ một lượng nước vừa đủ pha ra tống. Chờ nguội xuống 80-85 độ C. Rót vào trà. Chờ khoảng 10 giây rồi rót hết nước ra tống. Từ tống mới rót ra chén quân.
Uống hết thì lặp lại các bước như trên. Đảm bảo nước nguội đủ độ, ngâm trà không bị lâu thì bạn sẽ có một chén trà thanh, nhẹ, thoảng vị. Không hề chát.

Cách pha này, người quen uống trà đặc chát sẽ cho là nhạt nhẽo, không có vị. Nhưng với những bạn trẻ mới biết về trà, không quen uống trà đặc chát sẽ thấy trà thơm nước trong. Thanh mát dễ uống.
Chay Mộc, cũng từ đó mà mới say trà. Qua tìm hiểu về trà mới thấy trà mang lại cho người ta, không chỉ là thanh, là vị mà còn cả cách làm người, cách sống. Có lẽ, cũng vì vậy nên việc uống trà mới phát triển thành một thứ văn hóa phổ biến và sâu sắc trên mỗi đất nước mà nó đi qua như hiện nay.

Chay Mộc

Trả lời

Contact Me on Zalo
Gọi ngay